Xã Thượng Thanh - Huyện Gia Lâm (nay là Phường Thượng Thanh - Quận Long Biên- Hà Nội) nằm ven bờ sông Đuống bạt ngàn dâu xanh, dòng sông Đuống (dòng sông Thiên Đức xưa) đầy huyền thoại. Thượng Thanh nằm trải dài dọc theo đường quốc lộ từ Thanh Am đến vùng Gia Quất, gần 6 km với 4 cụm dân cư sinh sống: Thượng Cát, Đức Hòa, Gia Quất, Thanh Am. Từ vùng đất ven đê hoang vắng, với bàn tay và khối óc của bao thế hệ, với mồ hôi và máu nữa đã gây dựng nên một vùng quê trù phú có bề dày lịch sử và đúng với tên của nó: "Thượng Thanh" - Âm thanh vang vọng mãi tầng cao. "Thượng Thanh" cũng là tên ghép của hai làng Thượng Cát - Thanh Am. Trường Thượng Thanh, tên của trường lấy tên của xã, của phường để khách phương xa dễ nhớ, để người phương xa dễ tìm trên bản đồ địa lí Quận Long Biên, Hà Nội. Cái tên ấy đã gắn liền với những tháng năm gian khó, những ngày tháng hào hùng của bao thế hệ.
Đầu những năm 60 của thế kỉ XX, Thượng Thanh xưa không có trường cấp II. Cả xã chỉ lác đác vài lớp 1, lớp 2. Những lớp học của một vùng quê nằm nép mình dưới lũy tre làng trong xóm vắng.Từ năm học 1966 - 1967, Trường cấp II Thượng Thanh (Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh) được thành lập. Những năm đầu mở lớp, thầy Nguyễn Văn Thành làm hiệu trưởng. Gian khổ và thiếu thốn đủ điều nhưng lòng đam mê nghề nghiệp lại dư thừa. Mỗi thầy cô dạy 25 tiết học một tuần vẫn vui vẻ.
Năm học 1967- 1968, thầy Thành (hiệu trưởng) chuyển trường, thầy Nguyễn Văn Địch được UBND huyện Gia Lâm phân công về làm Hiệu trưởng nhà trường. Năm học 1967- 1978 , trường có đủ 3 khối lớp: lớp 5, lớp 6, lớp7. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan tới Thủ đô. Thượng Thanh gần khu xăng dầu, kim khí, hóa chất, lại gần ga xe lửa Gia Lâm nên máy bay địch thường xuyên bắn phá. Thầy trò dạy và học trong các lớp sơ tán; ngày sơ tán, đêm đêm lại cắp sách tới trường trong ánh sáng đèn dầu, bên cạnh lớp học là những dãy hầm "Cồn Cỏ" tránh bom bi. Giặc Mỹ muốn con em ta không được cắp sách tới trường, không ngày nào là máy bay địch không đến Thủ đô bắn phá, học sinh Thượng Thanh cũng giống như học sinh miền Bắc không lùi bước. Những chiếc mũ rơm tránh bom bi, tránh đạn cùng các em tung tăng tới lớp. Không một học sinh bỏ học trong những năm tháng ấy. "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ", các em cùng các mẹ, các chị đến thăm trận địa pháo Gia Quất đông viên bộ đội sau những trận đánh. Quà tặng chú bộ đội là những bó vải cũ để lau súng, là những lời ca và những tiếng cười "tiếng hát át tiếng bom". Bom đạn rền vang, các em vẫn cắp sách đến trường. Cả trường nô nức thi đua "dạy tốt và học tốt", thi đua hưởng ứng "Tiếng trống Bắc Lý". Mỗi liên đội là một "hợp tác xã măng non", các em cũng trồng lúa, trồng khoai cùng cha mẹ sản xuất nhiều lúa gạo để nuôi quân đánh Mỹ. Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt.
Đến năm học 1970- 1971, quy mô trường lớn dần, mỗi khối có 4 lớp. Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, các lớp học lại về trường dưới mái đình xưa. Thầy, trò và phụ huynh dựng lại lớp dù chỉ là bằng tre, vách đất. Thiếu thốn trăm bề, nhưng "Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Người góp công, người góp của, trường Thượng Thanh hình thành 9 phòng học, còn 3 lớp vẫn phải học trong đình làng. Không bàn ghế, kê gạch mà ngồi, ván ghép tạm để làm bàn viết, gian khổ nhưng thật là vui.
Tháng 12 năm 1972 giặc Mỹ điên cuồng huy động hàng trăm "pháo đài bay" ném bom Hà Nội. Sau một đêm hứng chịu bom B52, làng Thượng Cát, làng Gia Quất tan hoang. Ngôi trường Thượng Thanh bị bom vùi, làng mạc hoang tàn, bao người dân vô tội bị vùi dưới hố bom. Lệnh trên, thầy và trò Thượng Thanh sơ tán, chuẩn bị mở lớp dạy học, không khuất phục quân thù.
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, hiệp định Pari được kí kết, hòa bình đã về trên miền Bắc thân yêu. Thật cảm động, việc đầu tiên, chính quyền, Đảng bộ quan tâm là dựng lại trường cho con em học tập. Trở lại trường, phòng hội đồng chỉ còn trơ nền đất, lớp học tan hoang. Thầy và trò Thượng Thanh dọn lại trường trên đống tro tàn. Những ngày đầu xuân năm ấy, khi giáo viên Thượng Thanh đang lao động để dọn dẹp đống hoang tàn, xây dựng lại trường lớp thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đến thăm. Bộ trưởng biểu dương thầy cô giáo bám lớp, bám trường, động viên mọi người thực hiện lời dạy của Bác Hồ: " Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt". Bộ trưởng nói: Trên mảnh đất này, nhà nước và nhân dân sẽ xây dựng lại trường đàng hoàng, to đẹp hơn; hãy vượt lên đau thương, mất mát để chiến thắng quân thù.
Mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Niềm vui náo nức lòng người, Tổ quốc Việt Nam liền một dải. Năm 1976, theo chủ trương cả ngành Giaó dục, sát nhập trường cấp một và trường cấp hai thành trường cấp I + II. Gần 80 thầy cô giáo dưới mái trường phổ thông cấp I + II Thượng Thanh là một gia đình lớn. Số lớp lên đến đỉnh cao: 58 lớp. Trường nhiều năm được công nhận là trường tiên tiến, tỉ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp luôn xếp hạng cao trong huyện. Đội điền kinh, bóng đá của trường thường đứng trong tốp 10 trường xuất sắc.
Năm 1986, thầy Nguyễn Văn Địch nghỉ nghỉ hưu, thầy Nguyễn Văn Kỷ chuyển từ Thanh Am về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Thượng Thanh. Chưa bao giờ nền kinh tế của đất nước lại khó khăn đến thế, giai đoạn này là đêm trước của thời kì đổi mới. Giáo viên vừa đi dạy học vừa tăng gia nuôi lợn, nuôi gà, làm trăm công việc phụ để sống và dạy học. Ngoài dạy học, giáo viên là người nông dân, người thợ thủ công. Họ động viên nhau vượt qua những khó khăn khốn cùng đấy. Trong suốt thời gian đó, trường nhiều năm được công nhận là trường tiên tiến, tỉ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp luôn xếp hạng cao trong huyện. Đội điền kinh, bóng đá của trường thường đứng trong tốp 10 trường xuất sắc. Hơn một lần, trường Thượng Thanh được công nhận "Trường Tiên tiến Xuất sắc TDTT cấp Thành phố".
Tháng 9 năm 2006, Thầy Nguyễn Văn Kỷ nghỉ hưu, cô Đoàn Tuyết Mai - Phó Hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Hòa chung không khí thi đua, phấn đấu của ngành GD& ĐT quận Long Biên, trường THCS Thượng Thanh có sự chuyển mình mạnh mẽ. Số lượng học sinh nhà trường khoảng 600 em. BGH và các tổ chức công đoàn, đoàn Thanh niên đã luôn đổi mới trong quản lý, sáng tạo để hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh có hiệu quả. Nhiều hoạt động khiến các em rất ưu thích như: Tham quan, dã ngoại tại các khu du lịch sinh thái, tổ chức hội chợ quê... Có nhiều học sinh được công nhận là học sinh giỏi cấp thành phố như em Trịnh Thùy Linh, Phạm Anh Quân... Nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi cấp thành phố như cô Nguyễn Quỳnh Phương môn Tiếng Anh. Phong trào TDTT của nhà trường lớn mạnh không ngừng. Nhà trường có CLB bóng bàn hoạt động thường xuyên, hầu như cuộc thi nào cũng đạt giải cao với sự đóng góp của các gương mặt như thầy Pham Văn Thuận, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Công Ánh, Lê Quang Minh...Nhà trường luôn giữ vững danh hiệu "Trường Tiên Tiến cấp quận", Công đoàn vững mạnh cấp quận, Liên đội xuất sắc cấp quận.
Từ một ngôi trường có diện tích hẹp, với sự đầu tư và quan tâm của các cấp lãnh đạo, năm 2011 trường được xây dựng về khu đất mới thuộc tổ 12 - Phường Thượng Thanh với diện tích 19.250m2. Cơ sở vật chất khang trang, nhà trường được trang bị đầy đủ, các phòng học như phòng: chức năng Sinh học, Hóa học, Vật lý, phòng Đa năng, phòng học Tin học, phòng Tiếng Anh đáp ứng cho nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường. Tháng 11 năm 2012 trường được công nhận là Trường chuẩn quốc gia.
Tháng 12 năm 2012 cô Đoàn Tuyết Mai về nghỉ hưu, cô Ngô Hồng Giang được UBND Quận Long Biên phân công về làm Hiệu trưởng nhà trường từ ngày 01/12/2012.
Số lượng học sinh nhà trường phát triển không ngừng. Năm học 2012 - 2013 nhà trường có 653 học sinh biên chế ở 16 lớp. Đến nay số lượng học sinh tăng lên 1050 học sinh biên chế ở 26 lớp. Các em học sinh nhà trường đều rất ngoan ngoãn, có nề nếp, kính trọng thầy cô giáo, đoàn kết với bạn bè. Phong trào thi đua của nhà trường diễn ra đều đặn và thu hút các em học sinh tham gia như Hội chợ quê, Festival Tiếng Anh, Hội chợ trao đổi đồ cũ, Hoạt động trải nghiệm Gói bánh chưng xanh, Hội thi tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, Tham quan các di tích lịch sử của quận Long Biên và các di tích lịch sử của Thành phố Hà Nội và các hoạt động ngoại khóa khác… Các hoạt động do nhà trường tổ chức, 100% các em học sinh nhà trường đều được tham gia. Qua các hoạt động, các em được chia sẻ, đoàn kết cảm thông và yêu thương. Từ đó, tạo mối quan hệ thân thiện, khăng khít giữa học sinh và giáo viên trong nhà trường.
Cùng với các hoạt động phong trào, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày một nâng lên. Nhiều học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, cấp thành phố. Nhiều học sinh đã đạt thủ khoa đỗ vào THPT công lập, Tỉ lệ đỗ THPT công lập nhà trường liên tục đạt mức 80% trở lên.
Giáo viên nhà trường luôn tận tâm, yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Các phong trào thi đua được cán bộ giáo viên nhà trường tham gia sôi nổi và đạt nhiều thành tích cao như: Cuộc thi giáo viên giỏi, thi làm đồ dùng dạy học các cấp, Ngày hội CNTT cấp quận, Thành phố... Phong trào thi giáo viên dạy giỏi luôn được đội ngũ giáo viên tham gia sôi nổi vừa để thực hiện nhiệm vụ được giao, vừa để bồi dưỡng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, vừa để khẳng định thành tích của bản thân.
Qua nhiều năm phấn đấu, với sự phấn đấu không mệt mỏi, sự đoàn kết của tập thể giáo viên, sự năng động, sáng tạo công tâm của Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, trường THCS Thượng Thanh đã đạt kết quả đáng mừng:
- Trường liên tục đạt: Trường Tiên tiến cấp Quận.
- Đặc biệt từ năm học 2015 đến nay: Trường liên tục đạt danh hiệu: Trường xuất sắc cấp Thành phố.
- Năm học 2017-2018 và 2019-2020: Trường được nhận Bằng khen của UBND Thành phố.
- Năm học 2018-2019: Trường được nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT.
- Năm học 2020-2021: Trường được đề nghị nhận Bằng khen của UBND Thành phố.
- Chi bộ liê !important;n tục Được Đảng ủy phường Thượng Thanh xếp loại: “Chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc”
- Công đoàn:
+ Công đoàn được đề nghị nhận Cờ của LĐLĐ Thành phố. Chủ tịch công đoàn được đề nghị nhận Bằng khen của LĐLĐ Thành phố.
+ Công đoàn nhận giấy khen thưởng thành tích xuất sắc giai đoạn từ năm 2018-2020.
- Chi đoàn được đoàn phường khen xuất sắc.
- Chữ thập đỏ Xuất sắc cấp quận, được đề nghị khen thưởng Thành phố.
- Thư viện xuất sắc cấp Thành phố.
- Liên đội mạnh cấp Thành phố”, được đề nghị nhận Cờ thi đua của Thành đoàn Hà Nội. Tổng phụ trách được đề nghị nhận Bằng khen của Trung ương đoàn.
Có thể nói hơn 50 năm qua, bao thế hệ học sinh đã học dưới mái trường này, nhiều thầy cô giáo đã nghỉ hưu, chuyển đi nơi khác, có thầy cô đã mất...nhưng hình ảnh mái trường Thượng Thanh thân yêu sẽ in đậm trong tâm trí bao thế hệ thầy, trò. Truyền thống vẻ vang của trường THCS Thượng Thanh sẽ được những thế hệ mai sau viết tiếp bằng những trang vàng chói lọi.
Một số hình ảnh của Trường THCS Thượng Thanh qua các thời kỳ:
Học sinh nhà trường những năm 70
Học sinh nhà trường những năm 80
Học sinh nhà trường những năm 90
Đ/c Đoàn Tuyết Mai - Hiệu trưởng và các đ/c trong liên tịch đón nhận Bằng công nhận Trường chuẩn Quốc gia tháng 11/2012
Học sinh nhà trường sau khi đón Chuẩn Quốc gia
Học sinh nhà trường sau khi đón Chuẩn Quốc gia
Đ/c Ngô Hồng Giang-Hiệu trưởng nhà trường nhận hoa chúc mừng 50 năm thành lập trường của UBND quận Long Biên
Các đ/c lãnh đạo lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm cùng BGH nhà trường
Ban giám hiệu nhà trường qua các thời kỳ
Đ/c Ngô Hồng Giang-Hiệu trưởng nhà trường nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội
Ban giám hiệu nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội với nhà trường
Tập thể CB-GV-CNV nhà trường