Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!!
Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt những năm kể từ cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cả dân tộc bền bỉ, kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “ Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, “ Bắc Nam sum họp”.
Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam, của truyền thống văn hóa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch HCM và Đảng ta. Đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Trải qua những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, thế hệ sau tiếp bước thế hệ đi trước và lập nên những chiến công kỳ tích, tên tuổi các anh, các chị đã khắc sâu vào lòng mỗi người dân Việt Nam và trong các tác phẩm văn học. Với tất cả những ý nghĩa sâu sắc đó, nhân kỉ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2021. Thư viện trường THCS Thượng Thanh xin trân trọng gửi đến thầy cô giáo và các bạn học sinh cuốn tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” do nhà xuất bản Trẻ biên soạn và ấn hành năm 2011.
Tác phẩm “ Đất nước đứng lên” là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc. Tựa sách như một lời kêu gọi, khẳng định sức mạnh đánh trả mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng. Tiểu thuyết đậm màu sắc sử thi, anh hùng cũng là bài ca trữ tình thấm đượm những tình cảm cao đẹp với quê hương, đất nước, với gia đình, làng bản. “ Đất nước đứng lên” một thiên anh hùng ca, ca ngợi cuộc chiến đấu anh dung của đồng bào thượng vùng Tây Nguyên – xứ sở của chim đ`rao, chim ưng, của đàn tơ – rung, đàn gông – trong đó nổi bật lên hình ảnh người con ưu tú của dân tộc Ba Na: anh hùng Núp.
“Đất nước đứng lên” là câu chuyện thực đã trở thành huyền thoại về cuộc đời của một con người, một cộng đồng, một dân tộc, trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt luôn phải đối chọi với những lực lượng thù địch mạnh, vẫn bền bỉ, kiên cường, vượt qua thử thách để tồn tại và phát triển. “ Đất nước đứng lên” thông qua hình tượng anh hùng Núp, người anh hùng bình dị mà sâu sắc, kiên định mà nhân ái, gắn bó máu thịt với cộng đồng, buôn làng Kông Hoa. Núp là linh hồn cuộc sống và chiến đấu của cộng đồng người Ba Na Kông Hoa. Núp là người đầu tiên đã dám chống lại thực dân Pháp xâm lược bằng vũ khí tự tạo thô sơ, chống lại “ kẻ thù xâm lược là thần thánh”, bất khả xâm phạm. Tin vào mình và buôn làng, Núp đã đưa cuộc chiến đấu của dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, dám ăn tranh trot hay muối, dùng đá chặt cây làm rẫy, tồn tại để đánh Pháp, không để kẻ thù “đẩy người Ba Na trở lại thời kỳ đồ đá”.
Trong bão táp của cuộc chiến tranh, tác phẩm “ Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc đã mang lại một hơi thở mới, một luồng sinh khí mới, như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dân Việt Nam.
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng. Đặc biệt là tinh thần chiến thắng ngày 30/4 mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, với tinh thần và khí phách của kỳ tích 30/4/1975 lịch sử, đang là niềm cổ vũ lớn lao cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau, là động lực mạnh mẽ để mọi người phát huy tinh thần vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, luôn luôn giác ngộ lợi ích của tập thể…đền đáp xứng đáng xương máu của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ta đã ngã xuống cho nền độc lập nước nhà.
Tác phẩm “ Đất nước đúng lên” với tất cả những thông điệp trên hy vọng thầy cô giáo và tòan thể các bạn học sinh sẽ đến tại thư viện trường để cùng nhau tìm hiểu hơn về nội dung tác phẩm.