Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm’
4 câu thơ chan chứa cảm xúc, khắc sâu trong tâm trí người Việt về một thế hệ gan vàng, dạ ngọc đã làm nên một huyền thoại. Đó là những người lính đã chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972. Họ đã sống và chiến đấu ra sao, tất cả những giây phút hào hùng và bi tráng đó đều có trong cuốn sách “ Một thời hoa lửa” với sự đóng góp của nhiều tác giả do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2016 dàỳ 356 trang.
Quảng Trị trong “ Một thời hoa lửa” được ví là nơi cứ nửa giờ lại như có một lần khai sinh mới. Quảng Trị giống như hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc với các địa danh nổi tiếng như: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vĩnh Mốc, nhà tù Lao Bảo… đặc biệt là thành cổ Quảng Trị- một cái tên mà chỉ nghe đến thôi, tất cả chúng ta đều ao ước một lần đến để được nghe, được chứng kiến nhiều hơn về những câu chuyện đã trở thành huyền thoại.
Đã có một thời bom đạn tưởng cừng như có thể chôn vùi cả một thành phố, một đất nước, một dân tộc và ở Quảng Trị này là những người lính tuổi đôi mươi; người này ngã xuống lại có người khác đứng lên. Họ chỉ là những cậu học trò, sinh viên hay những thầy giáo vừa nhập ngũ. Điều gì khiến những con người trẻ tuổi ấy có thể chịu 2 vạn quả đạn pháo mỗi ngày. Có những người ngã xuống mà không hề biết đến một huyền thoại mình vừa góp phần tạo nên. Lời gọi cuối cùng của họ có khi chỉ là tiếng gọi “ mẹ ơi” vang vọng giữa dòng sông Thạch Hãn.
Người đọc sẽ lặng đi vì sự khắc khoải của người cha 33 năm đi tìm con, của những người cựu chiến binh đi tìm mộ đồng đội, vợ đi tìm chồng. Câu chuyện về những người mẹ anh hùng, về lá thư tình nằm dưới hầm cỏ hơn 30 năm mới tới tay người nhận.
Độc giả sẽ gặp lại Nguyễn Văn Thạc mãi mãi tuổi hai mươi, sẽ chứng kiến những giây phút bi hùng của anh gần thành cổ. Sẽ đồng cảm với những trang nhật ký lãng mạn và say đắm của chị Phạm Thị Như Anh dành riêng cho Thạc mà anh không bao giờ còn đọc được nữa. Sẽ gặp lại chú chim khuyên trong thành cổ Quảng Trị. Anh Nguyễn Xuất Hiện khi ấy mới 14 tuổi với câu hỏi: “ Có sợ chết không?”. Trả lời rằng: “ Sợ gì mà sợ, chết có gì mà sợ”.
Vì sao những người lính lại bước vào cuộc chiến với sự thanh thản và can đảm như vây. Đó chính là khát khao hòa bình, trách nhiệm của thế hệ thanh niên với vận mệnh dân tộc.
Đọc xong cuốn sách, gấp lại và nhắm mắt, mỗi bạn đọc sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Sẽ cùng chia sẻ thông điệp mà cuốn sách gửi gắm: sống thế nào để sống đúng với mạch sống của dân tộc. Làm thế nào để xác định vị trí của mình trong dòng chảy đó với tinh thần của những người đã làm nên một thời hoa lửa với tấm lòng tri ân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi cảm tưởng của mình trong một cuốn sách về họ: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc.”
Cuốn sách này mong góp phần nào dựng lại cuộc chiến ở Quảng Trị một thời hoa lửa. Không thể đếm hết những giọt nước đã chảy vào sông Thạch Hãn, cũng như không thể đếm hết những người lính đã hóa thân vào đất đai, cây cỏ, núi sông của Tổ quốc chúng ta...
“Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ
Bình minh thành cổ mềm theo gió đung đưa
Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ
Nhưng có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ..”
Cỏ nghĩa trang Thành Cổ vẫn xanh, nước sông Thạch Hãn vẫn chảy về biển Đông nhưng những ghềnh thác ký ức vẫn nhói trong tim mỗi con người hôm nay khi nghĩ về Quảng Trị. Những câu chuyện hôm nay sẽ không bị lãng quên, bởi đó là câu chuyện của một thế hệ gan vàng, dạ ngọc đã làm nên huyền thoại.
Chúng ta – những người được sinh ra trong hòa bình sẽ hiểu hơn về những gì cha anh đã để lại, đã dâng hiến, đã chiến đấu kiên cường, đã hy sinh anh dũng để thế hệ hôm nay có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trân trọng quá khứ, thêm yêu hiện tại và hướng tới tương lai – hãy đi tìm qua từng trang sách.
Rất hy vọng các bạn sẽ yêu thích cuốn “ Một thời hoa lửa” và tìm đọc trong thư viện nhà trường.
Phần giới thiệu sách của tập thể lớp chúng tôi đến đây là hết. Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các thầy cô giáo và các bạn. Hẹn gặp lại các bạn trong các buổi giới thiệu sách lần sau.