Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Trong lòng chúng ta ai cũng có một người mẹ để tôn thờ, kể về người mẹ nào cũng là cả một huyền thoại. Nhưng có những người mà cả đất nước, cả dân tộc đời đời suy tôn và cất lên tiếng gọi “mẹ” thiêng liêng. Có thể qua những câu chuyện của bà, của mẹ, của thầy của cô chúng ta đã được biết đôi điều về những người mẹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đến với buổi giới thiệu sách hôm nay, tập thể lớp 6A4 chúng tôi xin giới thiệu với các thầy cô và các bạn một cuốn sách hay kể về một người mẹ huyền thoại, cuốn sách “Người mẹ cầm súng”.
“Người mẹ cầm súng” là tên một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi. Cuốn sách mà tôi đang cầm trên tay nằm trong “Tủ sách vàng” của nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2012. Chỉ vẻn vẹn 119 trang nhưng nhà văn Nguyễn Thi đã dựng lên hình ảnh một người mẹ cầm súng thực thụ – một người mẹ tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam – chị Nguyễn Thị Út hay ta vẫn thường gọi với cái tên rất gần gũi là chị Út Tịch.
Cuốn sách đã thâu tóm về một cuộc đời và gương chiến đấu của chị Nguyễn Thị Út – anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ. Từ một cô bé con nhà nghèo phải đi ở đợ, Chị đã được cách mạng giác ngộ và trưởng thành, trở thành một chiến sĩ du kích dũng cảm, mưu trí, gan dạ cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công. Nhưng có ai ngờ rằng thành tích đó là của chính người mẹ có đến chín lần sinh nở. Điều đặc biệt là cứ mỗi lần sinh được ít ngày, chị Út lại cầm súng ra trận chiến đấu hết mình và mang về những chiến công lừng lẫy. Nhưng sinh đứa thứ 9 vừa được 14 ngày, chị hy sinh…
Trong đời làm mẹ và đánh giặc của Chị các mối quan hệ được nhà văn miêu tả hết sức sinh động với nhiều tình huống khác nhau, mâu thuẫn khác nhau. Mối quan hệ giữa Chị và đàn con; với chồng; với đồng bào xã Tam Ngãi; với quân thù…
Các bạn có biết, những ngày tháng cơ cực đi ở đợ cho địa chủ Hàm Giỏi, nhà con gái Hội đồng Thanh, Chị đã từng phản kháng lại khi bị đánh đập dã man. Nhiều người hỏi “Uống thuốc gì mà gan dữ vậy?” Chị trả lời là có uống thuốc gì đâu, bị đòn nhiều quá mà cứ phải ngậm ở trong lòng mới nảy ra cái gan dữ vậy. 14 tuổi thôi nhưng Chị đã biết rút ra một điều có ý nghĩa làm phương châm cho suốt đời “đánh nó để nó không đánh được mình”. Với bọn địa chủ như thế, sau này đánh Pháp, đánh Mỹ cũng vậy. Lên 15 tuổi, Chị xin đi bộ đội. Các chú bộ đội hỏi “Tại sao?” Chị trả lời ngay “Ở đợ cực quá”. “Đi đánh tây cũng cực vậy” – các chú bộ đội cười và nói. Chị tỉnh bơ: “Đi đánh tây sướng bằng tiên chứ cực gì!”. “Nó đánh mình mình đánh lại nó mới sướng chớ!”. Đó là quan niệm về hạnh phúc, về sướng khổ ở đời. Với quan niệm đó chị Út Tịch đã tham gia đánh Pháp, Mỹ rất nhiệt tình và hào hứng.
Đọc truyện và ký các bạn sẽ thấy được cả một gia đình nhà chị Út sôi nổi và hào hứng với cách mạng chứ không riêng gì Chị. “Đi làm cách mạng là cái công việc mà nếu phải ngừng lại một lúc nào đó thì cả hai vợ chồng sẽ cảm thấy le loi, trơ trọi, buồn khổ không biết chừng nào”. Cho nên đã đánh giặc thì phải “đánh cho còn cái lai quần cũng đánh”. Không những vậy chị còn tập cho các con lối sống phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Các bà má đều khen: “Mẹ con nó dạy nhau cùng một khuôn, con Út kia đi đánh giặc thì lại có con Út này ở nhà”. Khi đánh địch gần nhà, chị Út dặn con “nó tới rồi, đừng có ra nghe con và cũng đừng có sợ”. Chị lại dạy chúng động tác chổng mông ngồi hầm chống bom. Đánh trận, quá nửa đêm mới về đứa lớn dậy mở cửa, mấy đứa nhỏ nhí nhố “Má về! Má về!” và thức dậy đều hết. Chị Út không kịp mở bao đạn, ôm lấy con “Trong những tiếng ríu rít của đàn con, Út nghe câu được câu mất. Chị vui như vừa đi xa về. Một niềm vui kỳ lạ, tưởng như việc sống chết xảy ra vừa nãy là không có.
Dù rằng giờ đây chị Út Tịch – người mẹ cầm súng, người mẹ anh hùng với thật nhiều huyền thoại đó không còn nữa. Và giờ đây thế hệ con cháu chúng ta được sống và cất cao tiếng hát dưới bầu trời hòa bình. Ở đó có “Cờ hòa bình bay phấp phới. Giữa trời xanh biếc xanh”. Ở đó có “đàn bồ câu trắng trắng. Mắt tròn xoe hiền hòa” tất cả những gì chúng ta có như vậy là cả một sự hy sinh thầm lặng và lớn lao của những người anh hùng như chị Út tịch. Đi dọc chiều dài lịch sử dân tộc, không đâu là không thấy bóng của người phụ nữ Việt Nam; và cũng chạy theo chiều dài lịch sử thơ văn, không đâu là không thấy bóng những con người đảm đang, bất khuất. Chị Út trong tác phẩm của Nguyễn Thi là nét son chói lọi về người phụ nữ Việt Nam thương con và yêu nước tha thiết. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng ngợi ca xúc động chân thành:
“Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời và cũng nắng cho thơ.“
Truyện ký “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi là bản án đanh thép tố cáo chế độ Mỹ - Ngụy dã man, cùng với đó là một cuộc đấu tranh của những người nông dân Nam bộ, đặc biệt là người phụ nữ được khắc họa bằng những nét điển hình đẹp đẽ, dân tộc mà rất hiện đại phù hợp với yêu cầu của Cách mạng. Trang viết của ông đã góp vào văn học Cách mạng miền Nam một hương sắc riêng độc đáo.
Kính mời các thầy cô và các bạn hãy nhanh chân lên thư viện tìm đọc cuốn sách này nhé!
Phần giới thiệu sách của tập thể lớp 6A4 chúng tôi đến đây là hết. Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các thầy cô giáo và các bạn.