Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Việt Nam là đất nước đa dân tộc. Trong đại gia đình Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có phong tục tập quán, sinh hoạt riêng của mình và đã góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa Tổ quốc thêm đa dạng, rực rỡ sắc màu.
Văn hóa vốn biểu hiện ở nhiều mặt, song Tết và lễ hội là nơi thể hiện rõ nét nhất sắc thái văn hóa của từng dân tộc và cũng chính sắc thái riêng biệt này đã làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Đến với buổi giới thiệu sách tháng 02 này, tập thể lớp…….chúng tôi xin giới thiệu đến các thầy cô giáo và bạn học sinh cuốn sách “Lễ hội mùa xuân” của nhà văn Nguyễn Trọng Báu.
Cuốn sách do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành khổ 13x19cm, dày 75trang. Nổi bật trên trang bìa màu vàng là hình ảnh những lễ hội đặc sắc cổ truyền dân tộc. Nhan đề “Lễ hội mùa xuân” được in màu đỏ tượng trưng cho sắc xuân đang ngập tràn trên khắp phố phường.
Chỉ ngắn gọn với 75 trang nhưng cuốn sách “Lễ hội mùa xuân” sẽ cho chúng ta một cái nhìn thu nhỏ về đặc trưng văn hóa của một số dân tộc trên đất nước ta, giúp bạn đọc không chỉ hiểu biết về dân tộc đó mà còn yêu mến các dân tộc anh em cùng chung sống trong đại gia đình Việt Nam ta. Nhiều dân tộc có ngày tết và lễ hội trong một năm, nhưng ở trong cuốn sách này chỉ giới thiệu một số lễ hội và tết tiêu biểu của một số dân tộc.
Dân tộc Việt (hay còn gọi là dân tộc Kinh) có rất nhiều ngày tết quan trọng trong một năm như: Tết ông Công, ông Táo, tết Trung Nguyên, Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán, tết Hàn thực, tết Đoan Ngọ…nhưng không phải ai cũng biết được hết về các truyền thuyết cũng như ý nghĩa của những ngày Tết đó. Trong Lễ cúng ông Công, ông Táo thường có những gì, tại sao lại có tục lệ trồng cây nêu ngày tết; mâm ngũ quả, mâm cỗ tết thường có những gì? Các bạn đã biết về tục “gánh nước giao thừa”, tục “xông nhà”, tục “mua muối”, hay “tục hóa vàng” chưa? Cuốn sách nhỏ này sẽ lần lượt giải đáp những câu hỏi trên.
Không chỉ có vậy, trong cuốn sách này tác giả còn giới thiệu về phong tục Tết và lễ hội của rất nhiều các dân tộc khác như lễ hội Ka Tê với lễ Ka Tê tại tháp và lễ Ka Tê tại đền làng của dân tộc Chăm; lễ vào năm mới của dân tộc Khơ Me; Tết Chơ Ruh Kơr (cơm mới) của dân tộc Ba Na; lễ hội Đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên hay những cái tết quanh năm của dân tộc Giáy….
Bằng lối kể mặn mà, chân thực và lôi cuốn, tác giả đã đưa đến bạn đọc những cảm nhận tinh tế về văn hóa Việt Nam thông qua những lễ hội thắm đượm hồn quê.
Cuốn sách “Lễ hội mùa xuân” hiện có tại thư viện nhà trường. Kính mời các thầy cô và các bạn hãy nhanh chân lên thư viện tìm đọc cuốn sách này nhé!
Phần giới thiệu sách của tập thể lớp ……. chúng tôi đến đây là hết. Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các thầy cô giáo và các bạn. Hẹn gặp lại các bạn trong các buổi giới thiệu sách lần sau.