Nếu có ai hỏi: “Ai là nhà văn của tuổi thơ?” thì chắc chắn câu trả lời là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tuổi thơ tôi lớn lên với bao cuộc phiêu lưu, bao câu chuyện ngộ nghĩnh, dí dỏm qua lời văn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong vũ trụ bạt ngàn những sáng tác của ông, đọng lại sâu nhất trong trái tim tôi có lẽ là tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Bằng những dòng suy nghĩ chân thành, ngôn từ giản dị, Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ một chuyến đi đưa người đọc trở về với thơ ấu. Không cần quá phô trương nhưng đủ sâu sắc, không cần quá thâm thúy nhưng đủ để ta có thể nhìn thấy mình trong đó.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một cuốn sách nói về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê Việt Nam. Thiều là học sinh lớp 7, sống cùng người em trai tên Tường – là một cậu bé dễ thương, hiền lành, lại say mê những câu chuyện cổ tích. Thiều là người hướng ngoại, tinh quái, nhiều lần khiến em mình chịu những tai họa nhưng lại rất thương em. Về gần cuối câu chuyện, Thiều thích một cô gái cùng lớp tên Mận nhưng lại học không được tốt do phải chăm sóc người cha mắc bệnh phong bị mẹ giam trên gác nhà. Ngoài ra, trong câu chuyện còn có chú Đàn – em trai của ba Thiều, bị mất một cánh tay do tai nạn nhưng vẫn yêu đời và thường kể chuyện cho 2 anh em Thiều và Tường nghe. Nỗi muộn phiền duy nhất là chuyện tình cảm trắc trở do cánh tay cụt gây ra. Chú đang yêu chị Vinh – một cô gái cùng xóm, lại là con gái thầy chủ nhiệm lớp Thiều. Nhiều chuyện liên tiếp xảy ra. Phải kể đến chính là khi căn gác nhà Mận bị bốc cháy. Mận suy sụp hoàn toàn bởi phải chịu cú sốc lớn. Gia đình Thiều đã giúp đỡ Mận trong lúc khó khăn nhất và đưa cô bé về ở chung với mình.
Ngoài ra, trong câu chuyện còn xuất hiện nhiều nhân vật khác. Họ đều mở ra cho ta những chân trời mới và giúp ta biết yêu thương, trận trọng tuổi thơ của mình.
Tình cảm gia đình, tình cảm anh em yêu thương chân thành, cũng như những đố kỵ, ghen tuông, nỗi đau trong quá trình trưởng thành đều được Nguyễn Nhật Ánh khắc họa rõ nét. Thiều và Tường là 2 anh em, có giận nhau, đánh nhau đấy nhưng lại yêu thương nhau nhanh chóng, kể cả khi người anh trai lỡ tay ném đá làm đầu Tường chảy máu, thằng em vẫn hồn nhiên khen anh giỏi. Là anh em đấy, nên chỉ có một củ khoai, Thiều cũng giành về chia cho em đỡ đói. Tình cảm anh em trong nghèo khó hiện lên sao cảm động và tinh khôi đến thế.
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho ta về thời thơ ấu với bao nhiêu cảm xúc ngôn ngang mà còn gieo vào tâm hồn ta thứ tình cảm nhân văn và cao quý - đó chính là tình thân. Người cha chấp nhận chịu cảnh tù túng, thậm chí là trốn chui trốn lủi trong căn gác xập xệ cùng với căn bệnh quái ác mà người ta gọi là “bệnh phong”. Đứa con gái ngây ngô và giàu tình cảm như Mận cũng không tiếc bỏ cả những lúc học bài để chăm sóc cha. Và một trận hỏa hoạn ập xuống…Đọc đến đây, tôi chợt nhận ra dường như mình bỏ quên một điều gì đó. Nhìn những vết chân chim trên gương mặt bà, nhìn bàn tay chai sạn của ba và búi tóc dần ngả màu của mẹ, lòng tôi xót xa khôn xiết. Thoáng trong đầu cứ vẩn vơ một dòng suy nghĩ: “Nếu một ngày tôi cũng mất đi 1 trong số họ như con Mận mất cha thì sao?”... Tự dung khóe mắt cay xòe, tôi thấy mình yêu gia đình mình biết bao.
Lướt qua từng chương của cuốn sách, chúng ta sẽ tìm thấy chính mình của ngày xưa. Mỗi câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại chạm đến trái tim của người đọc. Từng câu từng chữ trong câu chuyện đều có sức hút kì lạ. Hình ảnh cuộc sống của những người nông dân cũng được khắc họa một cách chân thật nhất.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ là một “tấm vé” đưa mọi người trở về thời thơ ấu lắm đỗi ngọt ngào, trở về nơi bình yên nhất của tâm hồn. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử đọc và cảm nhận cuốn sách nhé.