Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh: Có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một
trường học hạnh phúc đó là
yêu thương, an toàn và tôn trọng, đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Để thực tiễn tinh thần trên, vào 15h30 ngày 3/3/2021 tại phòng HĐSP, BGH trường THCS Thượng Thanh đã mời Tiến sĩ Phạm Thanh Bình - Phó khoa Văn hoá nghệ thuật ĐHSPNTTƯ, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh - Phó giám đốc TT KNS Văn hoá Việt, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên và công nhân viên trong nhà trường chuyên đề “
Trường học hạnh phúc” với chủ đề
“THẦY CÔ GIÁO THAY ĐỔI – HỌC SINH HẠNH PHÚC”.
Tại lớp tập huấn, các đồng chí trong BGH cùng toàn thể các đồng chí trong HĐSP nhà trường đã được chuyên gia giáo dục - Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh truyền đạt những nội dung liên quan đến công tác xây dựng Trường học hạnh phúc và an toàn cho học sinh. Trong đó nêu rõ muốn xây dựng Trường học hạnh phúc, thì trước tiên phải có những thầy cô hạnh phúc. Thầy cô phải thực sự yêu nghề, yêu thương và tôn trọng học sinh; luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và sẵn sàng làm tất cả những điều tốt nhất cho học sinh của mình, thì khi đó hạnh phúc mới lan tỏa đến học sinh, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực. Bởi, các em đến trường, không chỉ học kiến thức để đạt được những điểm số cao, mà còn học làm người, và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho quá trình trưởng thành.
Thông qua một trò chơi giáo dục, thầy đã giúp tập thể cán bộ và giáo viên hình dung cụ thể và sinh động thế nào là một trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc cũng là nơi không có bạo lực, không có những vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến tính mạng nhà giáo và học sinh. Là nơi để giáo viên và học sinh gặp gỡ, giao tiếp, thông qua sự sẻ chia, thông cảm và yêu thương…
Tiến sĩ Phạm Thanh Bình cũng cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc bằng các phương pháp: nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, mối quan hệ tích cực, xây dựng môi trường sống tích cực; 6 kỹ năng (thân thiện, xác định hệ quả hành vi, lựa chọn hành vi, nhận diện cảm xúc, làm chủ cảm xúc) và phương pháp kỷ luật tích cực. Từ đó phổ biến cho giáo viên, áp dụng vào công tác dạy và học, xây dựng có hiệu quả trường học hạnh phúc.
Đan xen với nội dung tập huấn là bài tham luận khá sâu sắc và ý nghĩa của đồng chí Hà Thị Mai Hoa. Thông qua việc giải đáp những câu hỏi như: Hạnh phúc là gì? Trường học hạnh phúc là gì? Tại sao phải xây dựng trường học hạnh phúc? Phải làm gì để xây dựng trường học hạnh phúc? Giáo viên làm gì để có trường học hạnh phúc?..., bài tham luận đã gieo vào trong lòng mỗi thầy cô niềm tin rằng mỗi giáo viên thay đổi sẽ giúp cho nhiều thế hệ học sinh thay đổi và chính thầy cô cũng hạnh phúc.
Tiến sĩ Phạm Thanh Bình chia sẻ rằng thầy cô chúng ta phải thay đổi khi bĩnh tĩnh, lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người khác, sẵn sàng nói lời xin lỗi và cùng tìm ra cách giải quyết, kết nối…Từ đó hình thành, nuôi dưỡng và chuyển hoá cảm xúc tiêu cực của học sinh sang tích cực, truyền cảm hứng trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân, chăm sóc thể chất khoẻ mạnh đến mỗi học sinh…
Qua buổi tập huấn, cán bộ, giáo viên và nhân viên được nâng cao nhận thức, có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào thực tế công việc và đời sống; mang lại cho nhà trường những kiến thức cốt lõi của việc xây dựng trường học hạnh phúc, tạo môi trường hạnh phúc cho các thầy cô. Từ đó, các giáo viên sẽ lan tỏa sự hạnh phúc, yêu thương đến học sinh.
Vậy là đã sang Tháng 3, hoa bưởi trắng muốt với mùi hương nồng nàn mà bình dị, mang đến cho Thủ đô nét hương sắc rất riêng; dịch bệnh Covid ở Hà Nội cũng đã được đẩy lùi, học sinh trở lại trường học gặp thầy cô, bạn bè với những náo nức, hân hoan. Hy vọng một học kì mới kết thúc với một kết quả cao nhất, làm trọn vẹn mục tiêu xây dựng
“Trường học hạnh phúc” của trường THCS Thượng Thanh!
Thêm một số hình ảnh về buổi tập huấn "Trường học Hạnh phúc" đầy ý nghĩa và vui tươi tại Trường THCS Thượng Thanh: