Trong những giai đoạn phát triển của con người, lứa tuổi thiếu niên có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất và cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành sau. Vì vậy, nếu các em không được hỗ trợ và chăm sóc đời sống tinh thần một cách tốt nhất khi gặp phải những khó khăn tâm lý hay khi vướng mắc vào những rắc rối do lứa tuổi học đường... thì có thể có những tác động xấu đến đời sống tinh thần và sự phát triển nhân cách của các em. Nhận thức được tầm quan trọng này, 14h chiều ngày 15-1-2021, trường THCS Thượng Thanh đã tổ chức một buổi tập huấn về tham vấn tâm lý học đường cho toàn bộ giáo viên, nhân viên trong trường.
Tại buổi tập huấn, toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường đã được cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng – Giảng viên khoa Tâm lý trường ĐHSP Hà Nội I truyền tải những nội dung cơ bản nhất về công tác tham vấn gồm:
- Vai trò và mục đích của tham vấn.
- Phân biệt sự khác nhau giữa tham vấn và tư vấn.
- Các loại hình tham vấn.
- Các nguyên tắc cơ bản khi tham vấn.
- Các giai đoạn tham vấn.
- Kĩ năng lắng nghe.
- Kĩ năng quan sát.
- Kĩ năng phản hồi.
- Kĩ năng tóm lược.
Sự phát triển với tốc độ nhanh, đầy biến động của nền kinh tế - xã hội trong bối cảnh thông tin bùng nổ, các phương tiện truyền thông phát triển đã đem đến cho quá trình sống, học tập và rèn luyện của trẻ em ngày càng nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng những yếu tố bất lợi đối với sự phát triển nhân cách của các em; làm nảy sinh các vấn đề mà phương pháp dạy học truyền thống, khuôn khổ, phạm vi chương trình giáo dục phổ thông trong nhà trường không thể giải quyết được. Nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi ngày càng trở nên cấp bách đối với thế hệ trẻ. Chính vì vậy, tham vấn học đường là hình thức trợ giúp tâm lý đắc lực không chỉ cho học sinh mà còn cho các lực lượng giáo dục khác như giáo viên, cha mẹ học sinh.
Qua buổi tập huấn, các thầy cô giáo đã hiểu được nhiều hơn đặc điểm phát triển tâm sinh lý của học sinh, nắm vững các nguyên tắc, quy trình và hình thức cơ bản trong tham vấn tâm lý học sinh. Các thầy cô giáo cũng tiến hành chia sẻ về thực hành tâm lý học đường cho học sinh, hỏi đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường. Hơn thế nữa, các thầy cô còn được thêm cơ hội rèn luyện những kĩ năng quan trọng trong việc tìm hiểu, kết nối, đồng cảm với học sinh, đồng nghiệp, những người xung quanh. Hi vọng rằng, các thầy cô sẽ luôn là cầu nối giữa nhà trường – học sinh – gia đình để lan tỏa thông điệp: “
Hãy yêu thương và tôn trọng chính mình, sẽ dễ dàng lan toả tình yêu và sự tự tin vào bản thân đến những người xung quanh” và góp phần xây dựng nên “
Trường học hạnh phúc” ở ngôi nhà chung Thượng Thanh thân yêu!