Trong bước tiến vượt bậc của giáo dục, việc áp dụng Giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đã trở thành một khía cạnh hết sức quan trọng, giúp học sinh kết nối kiến thức với thực tế. Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí và giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; thống nhất nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường;tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục trung học góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí và giáo viên về việc tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM, sáng ngày 7/8/2023, tại Trường THCS Thượng Thanh, một buổi tập huấn với chủ đề "Triển khai bài dạy STEM theo quy trình thiết kế kỹ thuật EDP" đã được tổ chức.
Buổi tập huấn trở nên sôi động với sự tham gia đáng quý của ban giám hiệu, cán bộ giáo viên và thầy giáo Nguyễn Xuân Hoàng - một chuyên gia đến từ công ty cổ phần GĐ.KDI, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Để nâng cao nhận thức và kiến thức cho giáo viên về giáo dục STEM, cũng như hướng dẫn cách thực hiện quy trình thiết kế kỹ thuật EDP một cách hiệu quả, thầy giáo Nguyễn Xuân Hoàng đã tập trung vào việc triển khai bài dạy STEM theo quy trình thiết kế kỹ thuật EDP (Engineering Design Process) gồm 5 hoạt động chính, thể hiện rõ 8 bước của quy trình thiết kế kỹ thuật EDP:
Xác định vấn đề: Đưa ra yêu cầu chế tạo sản phẩm ứng dụng liên quan đến nội dung bài học.
Nghiên cứu kiến thức nền và đề xuất giải pháp: Sử dụng kiến thức nền để đề xuất giải pháp thiết kế.
Trình bày và thảo luận phương án thiết kế: Lựa chọn và hoàn thiện phương án tốt nhất dựa trên thảo luận.
Chế tạo và thử nghiệm: Chế tạo sản phẩm theo phương án thiết kế, thử nghiệm và đánh giá.
Trình bày và thảo luận về sản phẩm: Trình bày sản phẩm và điều chỉnh thiết kế dựa trên thảo luận.
Tâm điểm của buổi tập huấn là hoạt động thực hành chế tạo cần cẩu điện. Với khoảng thời gian ngắn, các nhóm giáo viên đã chế tạo thành công những chiếc cần cẩu điện mô hình có khả năng hút tới 50 chiếc gim tài liệu. Thông qua hoạt động này, giáo viên đã có cơ hội trực tiếp tương tác với quy trình thiết kế, từ việc nghiên cứu kiến thức nền, lựa chọn giải pháp, cho đến việc chế tạo và đánh giá sản phẩm.
Cuối buổi, các giáo viên đã có thời gian chia sẻ những khó khăn và trải nghiệm trong quá trình áp dụng STEM trong giảng dạy. Sự thảo luận và hỗ trợ chéo giữa các thầy cô đã giúp tìm ra những hướng khắc phục cùng nhau.
Sau buổi tập huấn, giáo viên đã nhận thức thêm về sự quan trọng của giáo dục STEM và cách thực hiện quy trình thiết kế kỹ thuật EDP. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo rằng học sinh không chỉ học kiến thức mà còn biết cách áp dụng vào thực tế. Buổi tập huấn không chỉ là một buổi học, mà còn là một hành trình học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm quý báu; đồng thời làm bừng lên ngọn lửa sáng tạo và khám phá, mang đến một tương lai rộng mở cho giáo dục tại Trường THCS Thượng Thanh.