Tham quan - học tập - trải nghiệm - sáng tạo là chuỗi hoạt động quan trọng trong kế hoạch học tập của các lớp đang thí điểm mô hình Trường học mới. Thực hiện kế hoạch năm học 2017 - 2018, sáng ngày 22/5/2018, Ban Giám hiệu trường THCS Thượng Thanh đã tổ chức cho hai lớp 8A3, 8A4 của mô hình thí điểm này đi trải nghiệm thực tế tại làng nghề Gốm Bát Tràng.
Không phải lúc nào các cô cậu học trò nhỏ cũng có cơ hội được đến tham quan và trải nghiệm thực tế tại một trong những ngôi làng lưu giữ nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Những ngày tháng học tập, thi cử chăm chỉ, vất vả lùi lại phía sau. Trên những chuyến xe, trên dọc đường vào làng gốm Bát Tràng luôn vang lên những tiếng cười, những niềm vui tràn đầy phấn khởi. Tại khoảnh sân rộng của xí nghiệp Gốm sứ 51, các bạn nhỏ được các nghệ nhân thuyết minh về sự ra đời, về các nguyên liệu, về quy trình làm ra một sản phẩm gốm sứ. Những đôi mắt chăm chú nhìn, những đôi tai chăm chú nghe còn những đôi tay nhỏ xinh lại thoăn thoắt chuyền nhau những miếng đất sét một cách đầy trân trọng, cùng nhau nặn, nhào cho đất dẻo, cùng nhau xoay, vuốt, nặn tạo hình sản phẩm gốm... Các học sinh của khối Trường học mới lần đầu được trực tiếp tham gia vào những bước đầu tiên của quy trình làm gốm nên trên mỗi gương mặt là sự háo hức, là niềm vui lấp lánh. Các em còn được thử làm thợ vẽ, tự tay trang trí những chiếc cốc mới chỉ qua khâu nặn, phơi. Màu vẽ trên gốm không sắc nét như màu vẽ của bút dạ, màu nước... nhưng với sự sáng tạo, khiếu thẩm mĩ rất riêng, mỗi bạn học sinh lại say sưa thỏa sức vẽ hình, phối màu trên những chiếc cốc của riêng mình. Được ghi tên, đánh dấu sản phẩm của riêng mình, bạn nào cũng hồi hộp chờ ngày cốc được nung xong, được tráng men và gửi về trường. Sau đó, các em còn được tham quan tại khu chợ của làng nghề. Những lọ hoa, bình bát, đĩa bày, đồ trang trí bằng gốm sứ nhiều màu sắc, đa dạng hình dáng... có sức hút kỳ lạ với các cô cậu học trò nhỏ.
Một buổi sáng được trải nghiệm làm những nghệ nhân gốm nhí trôi qua thật nhanh. Dư âm của một làng nghề cổ truyền còn ngân nga mãi, mỗi bạn học trò của 8A3, 8A4 lại tự nhủ với lòng mình: thêm yêu, thêm quý, biết gìn giữ và phát huy một ngành nghề truyền thống. Xin cảm ơn Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh đã cùng phối hợp để tạo cho các em có cơ hội tiếp xúc gần gũi với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc! Khối mô hình Trường học mới lại háo hức chờ đợi những chuyến đi đầy ý nghĩa như vậy ở năm học tới.
Nghệ
nhân làng gốm thuyết minh, hướng dẫn các quy trình tạo ra một sản phẩm gốm sứ
Niềm vui của những thợ gốm nhí lần đầu được tự tay vuốt, nặn ra sản phẩm
Các em học sinh thỏa sức sáng tạo vẽ trên cốc gốm
Các em học sinh thỏa sức sáng tạo vẽ trên cốc gốm
Các em học sinh thỏa sức sáng tạo vẽ trên cốc gốm
Những sản phẩm đáng yêu đầy sáng tạo