“CÁC KĨ NĂNG THOÁT HIỂM”
Nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh các kỹ năng cần thiết khi gặp các tình huống nguy hiểm, s
áng thứ 2 ngày 2/11/2020, Liên đội trường THCS Thượng Thanh đã tổ chức sinh hoạt dưới cờ cho học sinh khối 6 với chủ đề: “Các kĩ năng thoát hiểm”.
Sau hoạt động sơ kết tháng 10, Chi đội 8A4 đã thực hiện chuyên đề dưới hình thức tổ chức trò chơi trả lời câu hỏi trắc nghiệm, đưa ra các cách xử lý khi có các sự cố nguy hiểm xảy ra như: hỏa hoạn, đuối nước, kẹt thang máy, nghịch ngợm khi đi cầu thang, chơi ngoài ban công trường học, bắt cóc… Các em học sinh khối 6 rất hào hứng gia trả lời câu hỏi và nhận được nhiều phần quà.
Kết thúc trò chơi, bạn Quỳnh Anh dẫn chương trình đã chốt lại các bước xử lý hay gặp nhất khi gặp hỏa hoạn và đuối nước.
* Các bước sơ xử lý khi gặp hỏa hoạn:
Bước 1: Bình tĩnh xử lý khi xảy ra cháy nổ
- Cần xác định nhanh điểm xảy ra cháy.
- Nhanh chóng đưa ra các giải pháp để chữa cháy, chống cháy.
Bước 2: Báo động cho mọi người xung quanh biết bằng cách nhanh nhất
- Hô hoán mọi người thông báo cho nhau.
- Nhấn nút chuông của hệ thống báo cháy…
Bước 3: Lập tức ngắt điện toàn khu vực bị cháy
- Dùng các dụng cụ như kìm điện, ủng, găng tay cách điện để cắt cầu dao điện, ngắt attomat toàn khu vực bị cháy.
Bước 4: Báo ngay cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy bằng cách gọi điện thoại tới số 114
Bước 5: Sử dụng các phương tiện chữa cháy có sẵn để dập tắt đám cháy
- Bình bột chữa cháy, bình chữa cháy khí CO2, ….
- Mền chữa cháy, cát,…
- Nước (tránh dùng nước chữa cháy khi chất cháy là dầu, xăng,… )
- Nếu có vòi chữa cháy và lăng trụ phun nước thì nhanh chóng kéo vòi và phun vào đám cháy.
Bước 6: Cứu những người bị nạn, những người có khả năng thoát được đám cháy
Bước 7: Di chuyển các tài sản, hàng hóa lưu động và các chất dễ cháy ra nơi an toàn
- Tạo khoảng các chống cháy lan.
* Các bước sơ cứu người bị đuối nước:
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi. Tiếp đến, người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.
Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho họ, thay quần áo và ủ ấm, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.
Đặc biệt lưu ý:
- Không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy.
- Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu, có nguy cơ gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.
Các kỹ năng học được từ chương trình sẽ là hành trang hữu ích cho các em học sinh, giảm thiểu những hậu quả khôn lường do các tình huống nguy hiểm mang lại. Qua đó, rèn luyện cho các em kỹ năng trong cuộc sống, tác phong nhanh nhẹn và linh hoạt trong việc xử lý các tình huống.
Một số hình ảnh trong tiết chào cờ: