Những lá thư trong chiến tranh không chỉ là sợi dây kết nối tình cảm của những người đang cách xa, mà còn là những tư liệu phản ánh về chiến tranh một cách xác thực. Đằng sau chúng là biết bao câu chuyện cảm động về những người lính và gia đình họ.
Bạn đọc thân mến, cuốn sách là những lá thư của những anh lính trẻ gửi cho mẹ, cho bạn gái, cho người yêu, hoặc là thư của những người vợ ở hậu phương gửi cho chồng ngoài tiền tuyến. Rất nhiều tác giả của những bức thư ấy không còn. Những bức thư thời chiến chuyển nhờ phong bì và con tem quân đội, viết trên đủ loại giấy khác nhau, trên vỏ bao thuốc lá, thậm chí mảnh vải quần... Chúng giống nhau một điểm là đều đã vàng úa, đổi màu theo thời gian, mưa nắng, thấm đẫm mồ hôi, thậm chí cả máu của người viết. Theo nhà báo Đặng Vương Hưng, những trang thư rất đỗi riêng tư, lại cho người đọc cảm nhận biết bao điều về đời sống tinh thần của xã hội lúc đó, góp phần làm sáng tỏ những bí mật của lịch sử, làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn phong phú của dân tộc ta trong những ngày gian khổ nhất.
“Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người đã trào nước mắt vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh em khác trẻ lại hàng chục tuổi…”. Đó là những dòng thư vui sướng mà Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh báo tin vui “Sài Gòn đã giải phóng” cho vợ. Thư viết ngày 7-5-1975, mỗi khi đọc lại bức thư này, Thiếu tướng không khỏi cảm động. Ông kể rằng: “Mãi đến ngày 7-5-1975 tôi mới viết thư cho vợ vì quá bận rộn. Sau đó khoảng 1 tháng thì tôi nhận được thư của vợ. Trong thư, tôi nhớ nhất một câu, đại ý là cùng với niềm vui chung của cả dân tộc, khi nhận được tin chồng còn sống, các con vẫn khỏe mạnh, vợ tôi như trút được nỗi lo nặng trĩu bấy lâu. Đó là nỗi lo không biết liệu chồng, con mình có mệnh hệ gì hay không”. Qua những dòng tâm sự ấy, tôi càng thấy rõ sự chịu đựng âm thầm của phụ nữ Việt Nam.
Cuốn sách còn cho người đọc cảm nhận cuộc sống khổ cực của người dân, đằng sau những bức thư là bao câu chuyện xúc động. Vợ chồng đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ích và trung tá, bác sĩ Vũ Thị Như Hiền trong cuộckháng chiến chống Mỹ đã có gần 15 năm xa cách. Trong thời gian ấy, họ đã viết cho nhau gần 200 bức thư và hầu hết đã được giữ lại, là kỷ vật quý của gia đình. Bà Hiền kể: “Khi chồng tôi đi xa, các con tôi còn rất nhỏ. Cháu lớn mới 6 tuổi, cháu thứ hai 3 tuổi, cháu bé mới 7 tháng. Cách liên hệ duy nhất là viết thư. Chồng tôi tranh thủ viết giữa hai trận chiến ác liệt; còn tôi, thường viết vào những đêm khuya, khi các con đã ngủ. Những lúc ấy, mọi tâm tình của mình như trút cả vào con chữ. Nhiều lúc thấy cảnh những gia đình xung quanh sum vầy bên nhau, mình thèm lắm, nhớ chồng day dứt. Lại tự nhủ phải vượt lên, hoàn thành tốt mọi công việc và nuôi con ngoan, khỏe. Trong thư, tôi thường kể cho chồng nghe mọi diễn biến trong gia đình, tình hình sức khỏe và học tập của con cái. Bẵng đi một dạo, không nhận được thư là lo lắm...”.
“Những lá thư thời chiến Việt Nam” - tập hợp những bức thư tiêu biểu viết trong kháng chiến chống Mỹ, những dòng viết giản dị đời thường cho độc giả cái nhìn xác thực nhất về phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam. “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ là cuốn sách thật ý nghĩa, là tư liệu quí giá mà thư việ trường muốn gửi đến bạn đọc. Sách hiện đang có ở thư viện trường chúng ta. Thư viện Trường THCS Thượng Thanh luôn sẵn sàng phục vụ bạn đọc!
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh.
Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.