“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Với mỗi người dân Việt Nam thì dù có đi đâu về đâu, cội nguồn xứ sở vẫn luôn luôn khắc ghi trong lòng. Điều đó đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta. Để giáo dục học sinh niềm tự hào về quê hương anh hùng đúng 14h00 ngày 24/11/2020, trường THCS Thượng Thanh đã tổ chức chuyến tham quan khu di tích lịch sử địa phương cho toàn thể học sinh khối lớp 6.
Học sinh khối 6 chia ra làm hai đoàn. Đoàn thứ nhất gồm các lớp: 6A1, 6A3, 6A5,6A7 do cô giáo Phùng Thị Thư – giáo viên Tổng phụ trách hướng dẫn. Cô giáo Phạm Thị Thanh Bình – Chủ tịch công đoàn dẫn đầu đoàn thứ hai gồm các lớp: 6A2, 6A4, 6A6. Địa điểm tham quan là đình Bắc Biên phường Ngọc Thụy và chùa Thanh Am phường Thanh Am, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đây là cơ hội tốt để cho các bạn học sinh tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử, danh tướng của quê hương Long Biên.
Đình làng Bắc Biên, hay còn gọi là đình Phúc Xá, nằm ở ven đê Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Đình thờ Ba vị tướng của Vua Hùng là Minh Khiết Ðại Vương, Bảo Trung Ðại Vương, Hiếu Công Ðại Vương, thờ nhị vị công chúa và Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt. Đến đây, các em học sinh được làm lễ dâng hương, tìm hiểu về lịch sử ngôi đình và thân thế sự nghiệp cụ Lý Thường Kiệt. Cụ Lý Thường Kiệt tên thật Ngô Tuấn, quê làng An Xá thuộc thành Thăng Long xưa. Cụ sinh năm Kỷ Mùi (1019), do vua ban quốc tính họ Lý nên mới gọi là Lý Thường Kiệt. Cụ mất năm 1105, được dân làng An Xá thờ trong ngôi đền ở phía bắc Bãi giữa sông Hồng.
Làng Thanh Am nằm về phía Bắc thành phố Hà Nội, khu di tích đình – chùa Thanh Am vốn vẫn là những kiến trúc văn hóa – tôn giáo của một cộng đồng làng xã cổ truyền. Từ tháng 11/2003, khu vực này đã chuyển đổi địa danh hành chính từ xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm thành phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Đình hiện ở tổ 24 của phường. Đến chùa Thanh Am, học sinh được tham quan chùa và nghe giới thiệu về danh tướng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đã khai sinh ra làng Đuống – Thanh Am. Khi còn làm quan và cả khi đã về quê ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đi qua vùng đất cổ Thanh Am, là người hiểu biết, ông sớm nhận ra vẻ đẹp và giá trị của vùng đất đai mầu mỡ bờ Nam sông Đuống nên đã cho con cháu đến đây lập nghiệp, giúp dân phát triển nông trang đôn thành phong tục và hình thành làng Đuống – nay là Thanh Am thuộc các tổ dân phố 23, 24, 25,26,27 phường Thượng Thanh ngày nay, vì vậy người dân Thanh Am vẫn truyền tụng rằng: “Giữa làng 1 ngôi đình cổ, ghi nơi đây dấu ấn Trạng Trình, người năm xưa mở ấp khai sinh”. Cũng chính vì vậy nhân dân làng Đuống xưa đã tôn vinh người cùng với 2 danh tướng thời Bà Trưng là thần Thành Hoàng làng, thờ cúng bốn mùa tại Đình làng.
Mặc dù thời gian tham quan ở khu di tích không nhiều, nhưng cũng đủ để các em có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử của địa phương mình. Từ đó, khơi dậy trong các em tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục các em biết trân trọng lịch sử và biết bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Một số hình ảnh trong chuyến học tập ngoại khóa của các bạn học sinh khối 6.