ĐÌNH THANH AM
Làng Thanh Am nằm về phía Bắc thành phố Hà Nội, khu di tích đình – chùa Thanh Am vốn vẫn là những kiến trúc văn hóa – tôn giáo của một cộng đồng làng xã cổ truyền. Từ tháng 11/2003, khu vực này đã chuyển đổi địa danh hành chính từ xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm thành phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Đình hiện ở tổ 24 của phường.
Đình Thanh Am được xây dựng trên khu đất rộng, trong khu vực cư trú của dân làng. Hiện tại, mặt bằng kiến trúc của khu di tích bao gồm: 2 sân gạch rộng, đình chính hình chữ công, gồm Đại đình, Phương đình và Hậu cung. Hai bên nhà Phương đình có 2 dãy Giải vũ chạy song song, phía sau là chùa Thanh Am. Đình có quy mô kiến trúc khá lớn, tòa Đại đình xây gạch, 4 mái lợp ngói mũi hài với các góc đao cong. Chính giữa bờ nóc đắp đôi Rồng lớn chầu, Hổ phù đội mặt trời lửa. Bên trong chia thành 5 gian, 2 chái, 6 hàng chân, bố trí không đều nhau: gian giữa lớn hơn cả thể hiện sự tôn kính và để thực hiện các nghi lễ thờ Thành hoàng Đình Thanh Am còn lưu giữ được nhiều đạo sắc, trong đó, có đạo sắc sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730) cho thấy: đình Thanh Am được xây dựng từ sớm, đó là nơi thờ vợ chồng Đào Kỳ – Phương Dung, 2 vị tướng kiệt xuất trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa thế kỷ XVI, làm Thành hoàng làng.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh, ngôi Đình cổ phần nào đã bị xuống cấp, các di tích bị mai một, song với ý thức tự cường của dân tộc, truyền thống yêu nước thương dân được thừa hưởng từ các bậc tiền bối, với đạo đức và lòng tôn kính sâu sắc đối với các bậc thánh nhân, những người có công với dân với nước, nhằm bảo lưu truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục làm nền tảng giáo dục cho các thế hệ mai sau. Hai giới các cụ cùng nhân dân Thanh Am, chính quyền địa phương đã nâng niu, bảo trọng, giữ gìn những bút tích lịch sử của ngôi Đình.
Tại ngôi Đình hiện nay còn lưu giữ dấu ấn về nghệ thuật kiến trúc tinh xảo qua các thời kỳ với Sắc phong, Thần phả, Sấm ký, Câu đối, Bia đá, Chuông là bút tích lịch sử gắn bó với những nhân vật kiệt xuất đồng thời ghi lại những thuần phong mỹ tục, hương ước của quê hương Thanh Am rất có giá trị về mặt lịch sử. Ngày 09/01/1990, Đình Thanh Am được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử.
ĐÌNH LỆ MẬT
Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Theo người dân làng Lệ Mật kể lại thì trước đây, đình Lệ Mật nằm ở vị trí khác, chính nơi đây là đất của chùa. Khoảng đầu thế kỷ trước, các cụ đã quyết định rời chùa sang bên phải để lấy đất dựng lại đình. Lời kể trên có thể xác nhận nhờ ở một số chân tảng đá kê cột có chạm cánh sen (chủ yếu ở chùa) đã được tái sử dụng để kê cột của Đại đình.
Lệ Mật là một làng cổ vốn có tên “Trù Mật”, có lẽ vì kỵ húy tên chúa Trịnh Chù (tức Trịnh Cương, 1686-1729) nên mới phải đổi. Vào đầu thời Nguyễn đây là một xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về thành phố Hà Nội. Năm 2003, một phần huyện Gia Lâm lại được tách ra để lập quận Long Biên, khi đó xã Việt Hưng đổi thành phường Việt Hưng và thuộc về quận mới này.
Đình Lệ Mật hiện khá khang trang với nhiều đồ thời tự, lớp trong lớp ngoài nghiêm chỉnh mang giá trị tương đồng như ở nhiều di tích khác có cùng niên dại vào thế kỷ XIX-XX. Song, hiện vật cổ thì ở đây có một Nhang án rất quý, tuy Nhang án chỉ mang niên đại vào thế kỷ XVII và XVIII nhưng điều đáng quan tâm chính của nó là ở đề tài trang trí trong các ô hộc. Thực ra, những đường gờ nổi lớn phân chia các ô hộc to nhỏ khác nhau đã đủ để Nhang án là một hiện vật điêu khắc đích thực, các đường phân chia này đã phần nào tạo độ sâu nâng các hình tượng trong lòng nó lên mức chuẩn mực. Đó là những con Rồng, Lân, Hổ phù, hoa lá cách điệu, những con Phượng đầy chất dân gian với động tác vô cùng sôi động, rồi những trụ lửng có tai treo đầu Rồng ở hai bên và đặc biệt là hình tượng Bát bửu gồm quạt vả và sừng, bút lông, hòm sách…Tất nhiên, mỗi đề tài đều có ý nghĩa riêng và đều hướng tới mọi điều tốt lành cụ thể cho cuộc sống nơi trần thế. Trong cách thể hiện, bao giờ chúng cũng có nhiều chi tiết phụ (dải lụa, vân đao…) để nâng cao hơn về giá trị nghệ thuật. Nhưng cái gì hiếm và đẹp cái đó thường quý, như thế, khi đồ Bát bửu còn rất hiếm gặp trên điêu khắc ở nước ta vào thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII, thì ở Nhang án này chúng đã là những tác phẩm trau chuốt, tinh tế, đã góp một tiếng nói vào lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt.
Lễ hội Lệ Mật được mở ngày 23/3 âm lịch hàng năm, tưởng nhớ Hoàng Đức Trung, người có công trong việc đưa người nghèo từ làng Lệ Mật tới vùng kinh đô khẩn hoang, lập ra 13 trại ở tây thành Thăng Long (quận Ba Đình ngày nay). Ông đã được dân làng suy tôn là Thành Hoàng cùa làng. Từ sáng sớm ngày 23/3 đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (gọi là dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh đô (gọi là dân kinh quán) gặp gỡ nhau ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Dưới đây là một số hình ảnh học sinh trường THCS Thượng Thanh tham gia trải nghiệm hoạt động tìm tìm hiểu di tích lịch sử địa phương tại đình Thanh Am và đình Lệ Mật ngày 27/10/2022: