Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi đơn vị trường học.
Giải thích một số khái niệm:
1. Thế nào là trường học xanh, sạch, đẹp và an toàn?
Xanh, sạch, đẹp và an toàn cho học sinh là những yêu cầu quan trọng của một môi trường thân thiện trong trường học, cụ thể là:
- Có nhiều cây xanh, thường xuyên được chăm sóc và bổ sung. Khuôn viên nhà trường, các nhà làm việc, lớp học, phòng bộ môn, sân chơi, nhà vệ sinh… lúc nào cũng được giữ sạch sẽ, đảm bảo yêu cầu cảnh quan sự phạm.
- Học sinh được giáo dục cách sống khoẻ mạnh và có sự hỗ trợ về y tế, về tâm lý.
- Học sinh được đảm bảo sự an toàn về thể xác và tinh thần. Không có bạo lực trong nhà trường và ngoài khu vực trường học, cũng như những hiện tượng lăng mạ, sỉ nhục làm tổn thương đến danh dự và lòng tự trọng của học sinh. Trường học XSĐ&AT đã thật sự tạo ra môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi an toàn, thú vị, hấp dẫn đối với học sinh và giúp các em càng thêm yêu quý trường lớp, thầy cô, bạn bè. Nhiều ngôi trường đã để lại những dấu ấn và kỷ niệm đẹp trong lòng học sinh bởi những lối đi dưới hàng cây râm mát, những bồn hoa, thảm cỏ xanh tươi nhìn ra từ cửa sổ lớp học mỗi ngày. Trường học XSĐ&AT còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh có ý thức, có thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường và tạo sự lan tỏa đến môi trường gia đình cộng đồng các em đang sống, đồng thời góp phần hình thành mầm mống nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ tuổi học đường. Vừa qua, các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là những thầy cô hiệu trưởng đã quan tâm việc làm này, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong từng năm học. Tuy nhiên trong thực tế, một số trường vẫn chưa tạo được cảnh quan môi trường tốt đẹp để cuốn hút học sinh.
2. Thế nào là Xanh?
- Trồng cây có bóng mát như: bằng lăng, phượng, xà cừ, me tây, móng bò, keo tai tượng,… Chú ý trồng loại cây có tán, bóng mát nhiều mùa; không trồng cây có nhiều sâu hoặc có vỏ, lá, hoa chứa chất độc hại và có mùi khó chịu.
- Trồng một ít cây cảnh, chậu cảnh như: tùng, sứ, cau cảnh, gừa tàu, mai chấn thủy, nguyệt quế, …
- Có thể trồng cây bụi mọc tự nhiên được cắt tỉa chu đáo.
- Trồng cỏ: Trồng thành thảm cỏ hình vuông, hình chữ nhật, trồng thành hàng dài hai bên lối đi; trồng dưới gốc cây bóng mát … (chọn loại cỏ dễ trồng và dễ kiếm ở địa phương như: cỏ đậu phộng, cỏ lông heo …) để học sinh có thể chơi đùa được.
Chú ý độ bao phủ cây xanh trong sân trường tối thiểu khoảng 40%, thảm cỏ khoảng 25 – 30%. Hạn chế bê tông hóa sân trường.
3. Thế nào là Sạch?
- Xử lý rác thải: Thùng rác có nắp đậy, để ở hành lang và sân trường với vị trí thuận lợi cho học sinh sử dụng. Nếu có điều kiện, có thể phân loại rác theo 3 nhóm (các loại giấy vụn; nhựa ni lông, kim loại; lá cây, trái cây )
- Xử lý hệ thống cống rãnh, nước thải: Xử lý ngầm chống mùi hôi; cống rãnh phải có tấm đậy an toàn, không có hố nước đọng gây ô nhiễm và muỗi sinh sản.
- Có nguồn nước sạch: Đủ nước uống cho học sinh hàng ngày (bình nóng lạnh, bình nước khoáng, bình nước đun sôi để nguội…); nước rửa mặt, tay chân cho học sinh trước khi vào lớp học (khoảng 10 vòi cho 300 học sinh).
- Giải quyết tốt khu vệ sinh: Nhà vệ sinh phải thoáng mát, đủ ánh sáng, có mái che và lối đi sạch sẽ nối với hành lang lớp học. Có thể chọn trồng một ít cây cảnh xung quanh khu vực vệ sinh để tạo cảm giác nhẹ nhàng và ý thức sử dụng bảo quản cho học sinh. Chú ý hố tiêu, hố tiểu đáp ứng đủ cho số lượng học sinh sử dụng, không có mùi hôi, có thể sử dụng máng tiểu bằng loại tôn inox để dễ giội rửa. Cần tách riêng nhà vệ sinh giáo viên và học sinh.
- Xử lý tiếng ồn: Sắp xếp bố trí hợp lý về thời gian, vị trí sân chơi bãi tập, phòng học, phòng làm việc, giờ ra chơi, giờ học nhạc, giờ chuyển tiết để đảm bảo cho hoạt động dạy học và sinh hoạt của trường diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả.
- Đảm bảo bầu không khí trong lành không bị ô nhiễm trong sân trường, lớp học.
4. Thế nào là Đẹp?
Trước hết phải tạo được môi trường xanh và sạch, có cảnh quan hài hòa và tính thẩm mỹ trong mô hình kiến trúc tổng thể. Trường có quy hoạch hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất cảnh quan môi trường. Một số bồn hoa với nhiều màu sắc rực rỡ sẽ làm tăng vẻ đẹp của trường, chọn trồng loài hoa nở được nhiều mùa trong năm. Xây dựng những quy định, biểu bảng, áp phích về nếp sống văn minh, lối sống tiết kiệm để nhắc nhở học sinh chú ý thực hiện. Trang phục học sinh cần giản dị, gọn gàng, sạch sẽ, màu sắc không loè loẹt. Áo trắng quần xanh là trang phục tương đối trung hoà phù hợp với học sinh phổ thông, được nhiều người đồng tình chấp nhận. Đồng phục học sinh có thể thực hiện theo trường, theo lớp, theo ngày, theo mùa. Có môi trường bạn hữu thân thiện giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô giáo, giữa học sinh với cây xanh thảm cỏ bồn hoa, bàn ghế, lớp học, sân trường.
5. Thế nào là an toàn? An toàn được thể hiện qua các yêu cầu và quy định: phòng chống học sinh đánh nhau, bạo lực; phòng chống điện giật, cháy nổ; phòng chống ngộ độc, đuối nước, té ngã; phòng chống tai nạn giao thông; có lối đi của xe lăn từ sân trường vào hành lang lớp học cho học sinh khuyết tật; độ cao bàn ghế phù hợp và phòng học đủ ánh sáng để giảm thiểu bệnh cong vẹo cột sống và cận thị trong học sinh.
B. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRƯỜNG HỌC XANH, SẠCH, ĐẸP VÀ AN TOÀN.
I. Các bước thực hiện:
- Hướng dẫn cho học sinh học tập và thực hiện việc giữ gìn vệ sinh cá nhân hàng ngày như thường xuyên tắm, gội, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đi vệ sinh …Và thường xuyên theo dõi kiểm tra trong các giờ sinh hoạt lớp.
- Song song với những biện pháp chăm sóc cảnh quan và giữ gìn vệ sinh trường học, nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh bằng một số hình thức khác như : pano, áp phít bằng những câu khẩu hiệu hành động.
- Hàng ngày giao cho đội sao đỏ có nhiệm vụ kiểm tra và thúc nhắc các lớp làm vệ sinh đúng thời gian quy định, nếu ngày nào sân trường dơ bẩn nhà trường sẽ trừ điểm thi đua của đội sao đỏ. Từ đó đã giúp nhà trường quản lý tốt phong trào xanh, sạch, đẹp được thường xuyên .
- Hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tham gia một số trò chơi dân gian gần gũi với địa phương đã tạo cho học sinh khả năng tự rèn, nhanh nhẹn, chịu khó như: bịt mắt bắt dê, chơi ô ăn quan, giựt cờ, nhảy dây, bắn bi, v.v…và cuối mỗi học kỳ vào các ngày sinh hoạt ngoại khóa chung toàn trường nhà trường cần tổ chức cho học sinh tham gia thi các trò chơi theo đợn vị khối lớp và trao giải thưởng cho những học sinh có thành tích cao trong các trò chơi, nhờ đó mà trong nhà trường học sinh thường xuyên tập luyện và tham gia các trò chơi một cách tự giác .
- Ngoài ra để tạo cho học sinh có thói quen mạnh dạn trong việc nói năng, ứng xử linh hoạt, văn minh, nhà trường nên xây dựng một số quy định về việc giao tiếp, ứng xử như dùng những từ ngữ phù hợp, những cử chỉ, thái độ đúng đắn giữa HS với HS, giữa HS với GV, giữa GV với GV trong học tập giảng dạy cũng như trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, và tổ chức kiểm tra, thi đua khen thưởng dưới hình thức cho học sinh thuyết trình và tạo tình huống trong các buổi chào cờ đầu tuần .
II. Giải pháp cụ thể:
1. Đối với học sinh:
Học sinh phải có ý thức và hành động tự giác giữ gìn môi trường XSĐ&AT ngay từ ngày đầu tiên bước chân đến trường và thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Học sinh từng em, từng nhóm được trực tiếp tham gia các việc làm cụ thể hàng ngày, hàng tuần về xây dựng lớp học trường học của mình ngày càng XSĐ&AT hơn (trồng cây, chăm sóc cây, vệ sinh trường lớp,…). Trong năm học, các em tích cực tham gia một số hoạt động ngoại khóa của trường để tạo ra các sản phẩm về giáo dục môi trường như bài viết, tranh vẽ, ảnh chụp, sưu tầm… Cuối mỗi học kỳ và cuối năm học, các em được tham gia nhận xét đánh giá về cái tốt, cái chưa tốt, đề xuất việc cần làm tiếp theo về môi trường của trường dù là một ý kiến rất nhỏ hoặc chưa đúng, chưa đầy đủ.
2. Đối với giáo viên:
Tùy theo đối tượng học sinh từng lớp, từng cấp học, giáo viên giúp học sinh hiểu rõ một số yêu cầu về xây dựng và giữ gìn trường học XSĐ&AT; thực hiện có hiệu quả việc khai thác nội dung kiến thức giáo dục môi trường thông qua các môn học trong chương trình giảng dạy. Ngoài kế hoạch của trường, giáo viên chủ động thực hiện các hoạt động XSĐ&AT của lớp phụ trách; gương mẫu trước học sinh về việc giữ gìn bảo vệ môi trường XSĐ&AT.
3. Đối với cán bộ quản lý nhà trường:
Triển khai cụ thể đến từng giáo viên nội dung yêu cầu, tiêu chí trường học XSĐ&AT; cuối năm học tự đánh giá theo kế hoạch của trường đã đề ra. Hoàn chỉnh bản đồ quy hoạch của trường, hình thành ban XSĐ&AT. Tổ chức một số hoạt động nội khóa và ngoại khóa về giáo dục môi trường theo từng chủ đề cho học sinh. Giao trách nhiệm cụ thể cho các lớp về việc giữ gìn và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, trường lớp. Thực hiện những cách đánh giá đo nghiệm như ảnh chụp, băng hình, nhật ký để làm rõ sự thay đổi cảnh quan môi trường của trường qua mỗi năm học.
4. Đối với Phòng Giáo dục:
Phổ biến, cung cấp đầy đủ kịp thời đến các trường những văn bản chỉ đạo về giáo dục môi trường và trường học XSĐ&AT. Kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá các trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất) và đưa vào tiêu chí thi đua năm học. Chỉ đạo điểm một số đơn vị xây dựng trường học XSĐ&AT với mô hình mới nâng cao hơn. Dành một khoảng kinh phí nhất định hàng năm để các trường triển khai các hoạt động XSĐ&AT. Tổng hợp số liệu trường đạt XSĐ&AT trong từng năm học và biểu dương khen thưởng những đơn vị làm tốt. Nếu có điều kiện, có thể tổ chức tham quan học tập một số trường học trong và ngoài tỉnh cho cán bộ quản lý các trường. Việc tách các nhóm đối tượng như trên chỉ mang tính tương đối nhằm làm rõ hơn trách nhiệm và công việc cụ thể trong quá trình thực hiện. Giải pháp xây dựng trường học XSĐ&AT cần được tiến hành thường xuyên, có sự hợp tác và phối hợp đồng bộ của nhiều đối tượng và lực lượng tham gia. Ba việc làm cần được thực hiện tốt đó là: xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động và giám sát đánh giá trường học XSĐ&AT. Trong quá trình thực hiện trường học XSĐ&AT và giáo dục môi trường cho học sinh cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ ba nội dung:
- Thứ nhất là cung cấp cho học sinh và cả giáo viên một số kiến thức cơ bản ban đầu về môi trường, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, tác động tích cực và tiêu cực của môi trường đến đời sống con người.
- Thứ hai là mỗi trường học phải là một trung tâm XSĐ&AT; học sinh được học tập vui chơi trong môi trường này thì chắc chắn các em sẽ biết giữ gìn bảo vệ môi trường.
- Thứ ba là quá trình hoạt động XSĐ&AT chủ yếu phải xuất phát từ học sinh, giáo viên dự kiến kế hoạch và hướng dẫn, hỗ trợ giúp học sinh tự nhận thấy, tự thảo luận đề xuất và chủ động tham gia công việc.
I. Thế nào là trường học thân thiện?
- Trường học thân thiện, trước hết là nơi tiếp nhận tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định, đến trường. Nhà trường phải tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng về quyền học tập cho thanh, thiếu niên.
- Trường học thân thiện là trường học có chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng cao. Các thầy, cô giáo phải thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, đánh giá công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. Các thầy, cô giáo trong quá trình dạy học phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh, để các em tự tin bước vào đời.
- Trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, tránh được những bất trắc, nguy hiểm đe dọa học sinh.
- Trường học thân thiện là trường học có cơ sở vật chất đảm bảo các quyền tự nhiên thiết yếu con người: đủ nước sạch, ánh sáng, phòng y tế, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập v.v…
- Trường học thân thiện là trường tạo lập sự bình đẳng giới, xây dựng thái độ và giáo dục hành vi ứng xử tôn trọng bình đẳng nam nữ. Trường học thân thiện phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, giáo dục cho học sinh biết rèn luyện thân thể, biết tự bảo vệ sức khỏe, biết sống khỏe mạnh, an toàn.
- Trường học thân thiện là nơi huy động có hiệu quả sự tham gia của học sinh, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị kinh tế và nhân dân địa phương nơi trường đóng cùng đồng lòng, đồng sức xây dựng nhà trường.
II. Mục đích, ý nghĩa của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
- Quan trọng nhất là tạo nên một môi trường giáo dục (cả về vật chất lẫn tinh thần) an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, góp phần đảm bảo quyền được đi học và học hết cấp của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tập trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học, với các mối quan tâm thể hiện thái độ thân thiện và tinh thần dân chủ.
- Trong môi trường trường học thân thiện, trẻ em sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khóa, trong các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học. Như thế, mỗi ngày trẻ em đến trường là một ngày vui. Trường học thân thiện gắn bó chặt chẽ với việc phát huy tính tích cực của học sinh. Trong môi trường phát triển toàn diện đó, học sinh học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự dìu dắt của thầy cô giáo, gắn chặt giữa học và hành, biết thư giãn khoa học, rèn luyện kỹ năng và phương pháp học tập, trong đó những yếu tố hết sức quan trọng là khả năng tự tìm hiểu, khám phá, sáng tạo.
- Trong cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vai trò các thầy cô giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực hiện kế hoạch này, chúng ta từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ phát triển mới. Theo đó, các thế hệ học sinh năng động, tích cực dưới sự dạy dỗ của các thầy cô giáo được học tập trong môi trường trường học thân thiện, sẽ là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
III. Nội dung phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” xác định 5 nội dung gồm:
1- Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn;
2- Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập;
3- Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh;
4- Tổ chức các hoạt động tập thể, vui tươi, lành mạnh;
5- Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.
IV. Thực hiện: Để phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường THCS Thượng Thanh đạt kết quả tốt đẹp, chúng tôi thấy cần thực hiện các việc sau:
1 - Cần huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội.
2 - Khắc phục tính thụ động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp, hiệu quả.
3 - Xây dựng, chỉnh trang trường, lớp xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Bảo đảm trường sạch sẽ, có cây xanh, thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, thoáng đãng, bàn ghế hợp lứa tuổi học sinh.
4 - Trường tổ chức cho học sinh trồng cây (dịp đầu xuân) và chăm sóc cây thường xuyên. Có đủ nhà vệ sinh và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không ảnh hưởng xấu đến lớp học và cảnh quan môi trường. Học sinh tích cực tham gia giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân.
5 - Giáo viên dạy học có hiệu quả, giúp các em tự tin trong học tập, có phương pháp dạy, giáo dục và hướng dẫn học sinh học tập nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, góp phần hình thành khả năng tự học của học sinh...
6 - Bên cạnh đó, trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao một cách thiết thực, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của học sinh; tổ chức các trò chơi dân gian, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, sinh hoạt, ứng xử văn hóa, loại bỏ bạo lực và tệ nạn xã hội trong học đường. Hình thành thói quen làm việc theo nhóm...
7 – Có kế hoạch phối hợp với ngành khác trong địa bàn trường, nhằm mục đích huy động nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất của các ngành và tổ chức liên quan để phối hợp thực hiện và huy động sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong nhà trường.
V. Một số suy nghĩ: xây dựng môi trường trường học thân thiện về mặt tinh thần.
“Thân thiện” là có tình cảm tốt, đối xử tử tế và thân thiết với nhau. Bản thân khái niệm “thân thiện” đã hàm chứa sự bình đẳng, dân chủ về pháp lý và sự đùm bọc, cưu mang đầy tình người về đạo lý. “Trường học thân thiện” đương nhiên phải “thân thiện” giữa tập thể sư phạm với học sinh, thân thiện với địa phương (địa bàn hoạt động của nhà trường); phải “thân thiện” trong tập thể sư phạm với nhau;
1. Trước hết, trường học phải thân thiện với địa bàn hoạt động, mà nội dung chủ yếu của sự thân thiện là:
- Nhà trường phải phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục ở địa phương. Phải gương mẫu trong việc gìn giữ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở địa phương. Từ đó, địa phương sẽ đồng thuận, đồng lòng, đồng sức tham gia xây dựng nhà trường, xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên.
- Một nội dung trọng tâm về trường học thân thiện với địa phương: mỗi trường học nhận chăm sóc công trình văn hóa, lịch sử ở địa phương, và tích cực chăm lo xây dựng các công trình công cộng, trồng cây, chăm sóc cho đường phố, ngõ xóm sạch sẽ.
2. Thân thiện trong tập thể sư phạm với nhau. Điều này rất quan trọng, vì nó là “cái lõi” để thân thiện với mọi đối tượng khác. Ở đây, vai trò của hiệu trưởng, của lãnh đạo tổ chức Đảng và các đoàn thể là cực kỳ quan trọng. Muốn vậy, trong quan hệ quản lý, phải thực thi dân chủ, phải thực hiện bằng được quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong quan hệ tài chính, phải trong sáng, công khai, minh bạch đối với mọi thành viên trong nhà trường. Về mặt tâm lý, phải thực sự tôn trọng lẫn nhau. Không thể có thân thiện, nếu trong trường mất dân chủ, bất bình đẳng, nếu thiếu tôn trọng lẫn nhau, hiệu trưởng hống hách, quát nạt nhân viên dưới quyền. Cũng không thể có thân thiện, nếu mọi khoản thu chi trong nhà trường cứ “mờ mờ ảo ảo”.
3. Thân thiện giữa tập thể sư phạm, nhất là các thầy, cô với các em học sinh. Thầy cô cùng các bộ phận khác trong nhà trường đều hoạt động theo phương châm: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Từ đó, trò sẽ quý mến, kính trọng thầy cô giáo. Sự thân thiện của các thầy, cô với các em là “khâu then chốt”, và được thể hiện ở các mặt sau:
- Tận tâm trong giảng dạy và giáo dục các em. Muốn vậy, hãy mạnh dạn chuyển lối dạy cũ thụ động “thầy đọc, trò chép”, “thầy giảng, trò nghe” sang lối dạy “thầy tổ chức, trò hoạt động”, “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”. Có vậy mới phát huy được tính tự giác, tích cực học tập của các em, mới thực hiện được việc quan tâm đến từng em học sinh, nhất là đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh “cá biệt”.
- Công tâm trong quan hệ ứng xử. Thầy, cô giáo phải công tâm trong quan hệ ứng xử, công tâm trong việc đánh giá, cho điểm (nghĩa là phải công bằng, khách quan với lương tâm và thiên chức nhà giáo).
- Phải coi trọng việc giáo dục bình đẳng giới để các học sinh nam, nữ biết quý trọng nhau, sống hòa đồng với nhau. Phải rèn kỹ năng sống cho học sinh thích ứng với xã hội, bởi cuộc sống nhà trường là cuộc sống thực, ngay ngày hôm nay, bây giờ, chứ không chỉ chuẩn bị cho tương lai. Đừng để trò phải “ngơ ngác” trước cuộc sống xã hội đang từng ngày thay đổi.
4. Nhà trường thân thiện phải đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng không chỉ yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, mà còn cho cuộc sống an toàn, văn minh, phù hợp với tâm lý của đối tượng thụ hưởng. Trường học thân thiện thì không thể thiếu sân chơi, bãi tập đối với lứa tuổi “học mà chơi, chơi mà học”; ánh sáng như đom đóm, bàn ghế không đúng quy cách, nhà vệ sinh buộc trẻ phải bịt mũi, bặm môi mà vào... Ngược lại, trường học phải được xây dựng khang trang, xanh, sạch, đẹp, đúng yêu cầu sư phạm.
*Tất cả những nội dung trên, trước mắt được gói gọn vào 3 điểm trọng tâm :
a. Học tốt.
b. Đẩy mạnh việc “chơi mà học”.
c. Mỗi trường học là một địa chỉ nhận chăm sóc công trình văn hóa, lịch sử.
*Tóm lại, trường học thân thiện phải là nơi mà mọi thành viên đều là bạn, là đồng chí, là anh em; giáo viên nêu cao tinh thần “càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”; mọi hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng, vui tươi, hấp dẫn mọi người, nhất là người học; trường học gắn bó mật thiết với địa phương, và có chất lượng giáo dục toàn diện với hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng cao.
*Cụ thể: Xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” không phải là điều quá mới mẻ. Nói như vậy là bởi vì, khoảng vài năm trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh đến việc yêu cầu học sinh phát huy tính chủ động, tham gia trong các hoạt động giảng dạy của giáo viên. Vì thế, phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” thực ra là sự phát triển một hoạt động đã triển khai từ trước đó ở mỗi trường học.
Trên quan điểm như vậy:
- Phải tăng cường kiểm tra, phát vấn, giao việc cho các em, qua đó góp phần giúp các em có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói một cách có hệ thống, tự tin khi trình bày trước tập thể.
- Phát động trong học sinh tham gia dự thi làm ĐDDH sau các tiết học. Đây là cách để kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh đồng thời cũng là cơ hội để các em tham gia cải tiến giờ dạy có chất lượng cao hơn.
- Thầy, cô giáo phải có phương pháp giảng dạy tích cực để cho HS tích cực. Bởi vì trong một lớp học, số “HS tích cực” rất là ít, thường là những em có học lực và hạnh kiểm khá - giỏi, còn đa số là thụ động.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho có thể lôi cuốn tất cả học sinh tham gia.
- Tổ chức một số hoạt động sáng tạo, phát huy trí tuệ và năng lực hoạt động của học sinh như thuyết trình, lập báo cáo, làm mô hình kỹ thuật, viết phần mềm tin học, sáng tác thơ văn…
- Các tổ bộ môn cũng sẽ giao một số đề tài nghiên cứu nhỏ cho học sinh thực hiện như: sưu tầm tranh ảnh, tài liệu theo chủ đề…
- Để tạo thêm sân chơi cho học sinh, tuỳ vào sở trường của mình, các em có thể tham gia các CLB như CLB Tin học, CLB Thơ văn,...
- Trong những buổi ngoại khoá, chào cờ đầu tuần… nhà trường tổ chức lồng ghép kể chuyện về tấm gương các danh nhân, anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương; giới thiệu các hình thức diễn xướng đặc trưng của quê hương…
- Hoàn thiện nhân cách cho học sinh bằng cách phát động các phong trào “Không nói tục chửi thề”, “Gọi bạn xưng tên”, “Kính trên nhường dưới, lễ phép với thầy cô giáo, người lớn tuổi”…
- Tạo điều kiện học sinh được tham gia các hoạt động trong nhà trường một cách chủ động, được bộc lộ quan điểm, rèn luyện các kỹ năng và hình thành quan hệ tốt trong giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Tổ chức những hoạt động như hội chợ (vào dịp lễ, tết), hội thảo về phương pháp học tập, các buổi văn nghệ, trò chơi… để học sinh tự tham gia nhằm rèn luyện kỹ năng mềm để ứng dụng vào cuộc sống như thuyết trình, xây dựng hình ảnh bản thân, phương pháp làm việc nhóm…
Từ phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng một môi trường sư phạm thực sự lành mạnh, trong đó, học sinh biết bảo vệ danh dự của nhà trường, của tập thể lớp và của chính bản thân mình; biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai… Và để làm được điều này, cần phải có sự chung tay của cả gia đình và cộng đồng.