Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.
Xây dựng văn hóa học đường là giáo dục học sinh hướng tới hệ giá trị cốt lõi về văn hóa, đạo đức, lối sống của quê hương, đất nước thông qua các tiết học, các tiết sinh hoạt dưới cờ.
Tích cực tổ chức, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, vai trò của các danh nhân văn hóa, lịch sử địa phương; các hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - những “nhân chứng sống" của lịch sử nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước.
Tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh nhân dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc bằng các hoạt động trải nghiệm mang đến cho các em không gian “học mà chơi, chơi mà học” đầy thú vị và bổ ích.
Tổ chức các hoạt động xã hội, tình nguyện, hoạt động lao động tập thể, chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Chú trọng giáo dục toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các Câu lạc bộ sở thích, tài năng; đẩy mạnh quản lý nề nếp dạy học, chất lượng dạy và học thực chất; tạo sân chơi trí tuệ để học sinh phát huy tài năng, sự sáng tạo.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm - lương tâm nghề nghiệp của giáo viên, phát huy vai trò nêu gương của thầy cô giáo về đạo đức, trí tuệ, hành vi ứng xử. Xây dựng văn hóa trong môi trường giáo dục tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, hình thành thói quen đọc sách cho giáo viên và học sinh.
Thực hiện hiệu quả quy định Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; Chú trọng công tác tư vấn học đường, giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện, phát triển bản thân.
Xây dựng văn hóa học đường chính là tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho học sinh phát triển và hoàn thiện nhân cách. Hiểu được vai trò quan trọng đó, trường THCS Thượng Thanh luôn tích cực xây dựng văn hóa trường học trong các hoạt động dạy và học nhằm tạo cho các em học sinh có được môi trường học đường tốt nhất phát triển về Đức- Trí- Thể- Mỹ.