Các em học sinh thân mến!
Người con gái ấy còn rất trẻ. Và cũng như bao thiếu nữ khác, người con gái ấy ôm ấp bao ước mơ được bay bổng, bay xa.
(Video bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu)
Chị tên là Võ Thị Sáu. Một cái tên thật hiền dịu phải không các em? Cũng như bao làng quê trên đất nước VN mình, làng quê của chị Sáu êm ả tháng năm, rợp xanh màu lá. Vào những năm 40 của thế kỉ XX, niềm vui độc lập sau 80 năm đô hộ của TD Pháp chưa tròn thì tiếng súng kháng chiến lại vang lên:
“ Thưở nô lệ thân ta nước mất
Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”
Tuổi thơ của chị Sáu ngày ngày chứng kiến sự dã man, tàn bạo của quân xâm lươc và cũng ngày ngày tuổi thơ ấy được hòa vào không khí sục sôi của cuộc đấu tranh.
Cô và các em sẽ hiểu rõ về cuộc đời và sự hi sinh anh dũng của chị Võ Thị Sáu – người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ qua cuốn sách: “Võ Thị Sáu con người và huyền thoại” của tác giả Nguyễn Đình Thống . Đó cũng chính là món quà mà cô muốn mang đến cho các em ngày hôm nay.
Cuốn sách được in trên khổ 14x 20 cm dày 115 trang do nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM ấn hành năm 2015.
Ngay từ trang bìa, các em sẽ thấy ảnh chị Sáu với gương mặt trẻ trung, hồn nhiên và những hàng dương vươn thẳng chằn mình trước sóng gió như đức tính ngay thẳng, kiên trung của chị Sáu mãi nhắc nhở chúng ta về lòng yêu Tổ quốc, sự trung thành với cách mạng. Cuốn sách được bố cục làm 6 phần sắp xếp theo trình tự thời gian.
Các em ạ!
Lật dở từng trang chúng ta sẽ hình dung được hình ảnh quen thuộc của chị
ngay từ phần thứ 1: Sự thăng trầm của một tấm bia mộ.
Bất kể ai đến với nghĩa trang Hàng Dương đều không thể cầm lòng bởi những nấm mộ chen nhau, nhấp nhô cả một vùng đồi. Lấp ló sau hàng cây, bui cỏ mộ chị nằm ở trung tâm khu B. Tấm bia trước mộ có mang hàng chữ Võ Thị Sáu ( tức Nguyễn Thị Sáu) sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23/1/1952. Điều lạ mộ chị có 4 tấm bia. Các em hãy đọc từ trang 11 đến trang 22 để biết được điều kỳ lạ đó một cách cụ thể hơn.
Đến với phần 2, các em sẽ đến với tuôi thơ lam lũ trên quê hương Đất Đỏ của chị Sáu.
Năm 1933, một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời tại Phước Thọ - Đất Đỏ - Bà Rịa. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó giàu lòng yêu nước nên ngay từ nhỏ chị đã chịu thương chịu khó. Tuổi thơ lam lũ không có ngày đuổi bướm hái hoa, thả diều hóng gió chỉ có những ngày chợ vắng chị trốn mẹ đi nhặt những bông hoa lê ki ma xâu thành chuỗi rồi đan vào cổ. Đó là món đồ trang sức duy nhất của chị thời thơ ấu.
Nối bước cha anh khi mới 13 tuổi, Chị Sáu tham gia liên lạc tiếp tế cho đội công an Đất Đỏ. Lúc đóng vai người đi chợ, khi giả bộ làm thợ cấy, thợ gặt, nơi nào có địch chị báo về. Năm 1950, trong một lần mang lựu đạn đi tập kích chị đã bị giặc bắt. Đây cũng chính là nội dung trong phần 3 Người trinh sát trẻ tuổi.
Cận kề với án tử hình là phần 4 của cuốn sách đấy các em ạ!
Tòa án quân sự Pháp đã tuyên án tử hình chị với tội danh giết hại nhà chức trách vào. Nhưng bản án tử hình tuyên án người con gái chưa đủ tuổi vị thành niên đã làm xôn xao dư luận nước Pháp. Chính thực dân Pháp đã chà đạp lên luật pháp nước mình.
Các em sẽ hình dung được những ngày cuối cùng của chị Sáu ở Mùa xuân chưa kịp đến.
Thực dân Pháp tra tấn chị dã man. Trước dư luận, chúng không dám xử chị tại Sài Gòn mà lén lút chuyển chị đến nhà tù Côn Đảo.
Các em biết không trước ngày đất nước thống nhất, 30/4/1975
Côn Đảo là một địa danh khét tiếng khiến mọi người thường gọi là “ địa ngục trần gian’.Cuộc đời của chị hóa thành huyền thoại bắt đầu từ chuyến tàu lịch sử cập bến ở Côn Đảo ngày 21/1/1952. Chị là người thiếu nữ đầu tiên bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo và cũng là người thiếu nữ đầu tiên bị thực dân pháp kết án tử hình khi vẫn còn đang ở tuổi vị thành niên . Những năm tháng bị giam cầm tại đây chị Sáu luôn kiên cường. Các cô bác anh chị từng bị giam cầm kể lại rằng Sáu nó luôn miệng ca hát. Tiếng hát của chị vang lên trong nhà tù Côn Đảo đã góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh và nhà tù của thực dân đế quốc chả biết tự khi nào đã trở thành 1 trường học cách mạng. Trường dạy của những người biết tin vào tương lai tươi sáng.
Quá run sợ trước tinh thần bất khuất của chị Sáu, quá lo ngại trước tiếng hát của chị rạng sáng ngày 23/1/1952, bọn Pháp đã đưa chị ra pháp trường.
“ Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười”
Bọn chúng muốn bịt mắt của chị lại nhưng Chị nói: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!". Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát. Khi tên chỉ huy ra lệnh nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và hét lên: “Đả đảo thực dân Pháp!". "Việt Nam độc lập muôn năm!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Ở các khám tù cũng vang lên tiếng hát, tiếng hô ầm ầm: “ Đả đảo Thực dân Pháp, đả đảo hành hình. Tinh thần Võ Thị Sau bất diệt”.
Cũng từ buổi sáng ấy chị Sáu đã hóa thân vào đất đai Côn Đảo nhưng hình ảnh trắng trong, thanh thản và tâm hồn rộng mở của chị còn mãi mãi. Sau ngày chị hi sinh, đâu đâu trên đảo cũng có thể nghe thấy câu chuyện về chị. Tết ấy ở nghĩa trang Hàng Dương có rất nhiều người qua lại. Tuổi thiếu nữ của chị Sáu còn đó là niềm tin cho chúng ta nhưng với kẻ thù thì sự hi sinh toàn vẹn tinh nguyên của chị không biết tự khi nào đã trở thành nỗi hãi hùng.
Cái chết của chị Sáu lại làm lan tỏa phong trào đấu tranh trong nhà tù Côn Đảo. Sự lan tỏa ấy đã vượt qua không gian, vượt qua trùng dương để ùa vào lòng đất mẹ. Sự lan tỏa ấy đã vượt qua thời gian để giữ mãi tuổi thiếu nữ tinh khôi nhưng giàu lòng yêu nước.
Các em thân mến!
Hơn nửa thế kỉ qua từ ngày chị hi sinh, tên chị luôn được những người đồng đội, người anh, người chị nhắc đến với tình cảm yêu thương trân trọng. Tên chị cũng được đặt làm tên trường, tên đường và tên đoàn…Khi đọc Võ Thị Sáu – con người & huyền thoại với những tình tiết đặc sắc về cuộc đời chiến đấu, hy sinh anh dũng và những huyền thoại về chị, cô tin rằng tât cả chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“ Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi lời ca
Có những con người như chân lý sinh ra”
( HS múa bài hát Biết ơn Võ Thị Sáu)
Võ Thị Sáu người con của đất mẹ Việt Nam có tinh thần yêu nước mãnh liệt, sự hi sinh anh dũng và lí tưởng sống cao đẹp chị đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, tô điểm cho khuôn mặt tuổi trẻ Việt Nam trong lịch sử chống phát xít và đế quốc thực dân. Chị sẽ mãi sống cùng lịch sử, với CMVN, với thế hệ hôm nay và thế hệ cả mai sau. Chị sẽ là tấm gương cho chúng ta phấn đấu và học tập. Đã là người VN đừng hỏi TQ đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho TQ hôm nay.
“Võ Thị Sáu con người và huyền thoại” đang chờ đón các em khám phá. Ngoài cuốn sách này các em có thể tìm đọc những cuốn sách có cùng chủ đề như: Nhật ký Vũ Xuân, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Những lá thư tình thời chiến…. Thư viện trường THCS Thượng Thanh luôn chào đón các em.
Phần giới thiệu sách của cô đến đây là hết. Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các thầy cô giáo và các em. Hẹn gặp lại các em trong các buổi giới thiệu sách lần sau.